Theo nhận định một số chuyên gia kinh tế: Sức mua của thị trường đang có xu hướng ấm dần lên.
Sản xuất hàng may xuất khẩu sang Hàn Quốc tại Công ty TNHH ASIA. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt 1.275,4 ngàn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,9%. Mặc dù mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012, nhưng quý 2 năm nay tăng 5,1%, cao hơn mức tăng 4,5% của quý trước. Đây được xem là tin vui đối với các DN trong việc “sưởi ấm” cầu tiêu dùng trong nước.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trước tình hình kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ - CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ - CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... Nhờ thực hiện quyết liệt các nghị quyết trên nên tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó quý 1 tăng 4,76%; quý 2 tăng 5%.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT) cho biết: Do nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nên nhiều DN bắt đầu quan tâm tới các lĩnh vực đầu tư, mở rộng hoặc quay lại sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Tháng 6/2013, cả nước có 7.899 DN thành lập mới với vốn đăng ký là 37.127 tỷ đồng, tăng 20% về số DN và giảm 31,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Theo Bộ KHĐT, tuy số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số lượng DN quay trở lại hoạt động đã tăng dần qua từng tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) theo đó cũng tăng và trong 6 tháng qua, chỉ số IIP tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ các DN đã “hồi sinh”; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KHĐT), các DN tư nhân vừa và nhỏ hiện có xu hướng thích ứng tốt hơn so với DN quy mô lớn. Các lĩnh vực có số lượng DN hồi phục nhanh là khu vực bán lẻ, dịch vụ lao động việc làm, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục đào tạo, y tế. Bên cạnh đó, khu vực tiếp tục gặp khó khăn là ngân hàng, tài chính và nông, lâm, thủy sản...
Dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song theo đánh giá của TCTK, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và ẩn chứa những rủi ro tác động đến ổn định vĩ mô. Cụ thể: Nợ xấu chưa được giải quyết, lạm phát mặc dù đang ở mức an toàn nhưng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc áp dụng các chính sách nới lỏng tài chính tiền tệ ở ngoài nước, đồng thời bị tác động mạnh từ việc thực hiện điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ (xăng dầu, điện, nước, than).