Điều hành chính sách tiền tệ năm 2013:

Sẽ thận trọng nhưng linh hoạt để lưu thông dòng vốn

Năm 2012 là năm vô cùng khó khăn của nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Nhưng đây cũng là năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt để lập lại ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Xã hội đang rất ngóng chờ sự “chèo lái” của người đứng đầu ngân hàng trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013.

 

Nhân dịp xuân Quý Tỵ 2013, phóng viên Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (ảnh) xung quanh vấn đề này.

 

Thưa Thống đốc, mặc dù năm 2012 đã có những hiệu ứng tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ nhưng cái giá phải trả là không nhỏ sau nhiều năm tăng trưởng “nóng”. Ông có sự nhìn nhận như thế nào về điều này?


Tôi cho rằng, tín hiệu vui của năm qua là chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, lãi suất giảm dần theo tín hiệu của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nếu như năm 2011, CPI là 18,3% thì năm 2012 kiềm chế ở mức chưa đến 7%. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đã giúp cán cân thanh toán thặng dư; thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định vững, tạo lập lòng tin với nhà đầu tư nước ngoài; lãi suất giảm nhanh về ngang bằng năm 2007 (mức 8%). Đặc biệt lòng tin của người dân vào VND được củng cố. Chính sách tín dụng đã có nhiều sự chuyển hướng tích cực, dư nợ hướng mạnh vào khu vực sản xuất (kinh tế thực).


Nhờ các chủ trương điều hành của Nhà nước được thể hiện nhất quán nên hiệu quả sử dụng của đồng vốn đã cải thiện hơn trước. Nếu như trước đây, 4 - 5 đồng vốn tăng lên mới được 1 đồng tăng trưởng (chưa hiệu quả) thì nay khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và tín dụng đã thu hẹp. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng là 7%, tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 5%, điều đó cho thấy hiệu quả của đồng vốn với nền kinh tế là rất lớn.


Đối với việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), bước đầu NHNN đã đạt được các kết quả quan trọng, đánh giá đúng thực trạng TCTD, thanh khoản được củng cố, vượt qua thách thức ngay cả khi có những xáo trộn lớn trên thị trường.


Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại HDBank chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên theo tôi, chặng đường năm qua cũng đầy rẫy thách thức do những rủi ro tiềm ẩn từ cơ cấu nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng nhanh nhưng theo bề rộng, vay nợ dễ dãi đã dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô, xáo trộn trong hệ thống tài chính; yếu tố tâm lý trong lạm phát kỳ vọng vẫn bấp bênh. Bên cạnh đó là những áp lực và thách thức trong quá trình tái cơ cấu lại TCTD...


Mặc dù lãi suất năm 2012 đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Các DN đều cho rằng, lãi suất cho vay chỉ nên dưới 10%/năm thì mới tồn tại đuợc. Còn một số chuyên gia kinh tế đề xuất: NHNN nên áp trần lãi suất cho vay. Thống đốc nghĩ sao về điều này?


Nền tảng trong điều hành tiền tệ vẫn là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát năm tới ở mức 4 - 5% thì có thể giảm nhanh lãi suất. Thế nhưng qua phân tích, bên cạnh chiều hướng chung, còn nhiều yếu tố gây nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại. Do đó việc điều hành chính sách vẫn luôn phải thận trọng.
Trong năm qua, lãi suất huy động từ mốc 14% đã giảm xuống còn 9%/năm, khoảng cách điều chỉnh diễn ra khá nhanh nhưng để giảm từ 9% xuống 8%/năm thì NHNN cũng phải cân nhắc. Bởi lúc đó, lạm phát tháng 9/2012 đã biến động lớn (2,2%), gây nguy cơ bùng nổ lạm phát bất kỳ thời điểm nào. Vì lẽ đó mà tới hai tháng cuối năm 2012, khi đánh giá chắc chắn lạm phát kiểm soát được, NHNN mới quyết định giảm lãi suất thêm 1% nữa.


Dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Năm 2013 có giảm được lãi suất hay không phụ thuộc vào tình hình kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, NHNN vẫn kiên định với định hướng thận trọng, linh hoạt trong điều hành; lộ trình giảm lãi suất đi đôi với tính toán tự do hóa lãi suất khi điều kiện đã chín, tính toán trong tổng thể với tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD; tăng cường tính phối hợp thống nhất của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, các giải pháp có tính căn cơ hơn từ điều hành các chính sách vĩ mô khác để không gây ảnh hưởng tới CPI mà lại có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng. Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2013 là 12% (tăng 5% so với năm 2012) và sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...


Tôi cũng nghe một số ý kiến đề xuất nên áp trần lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn với nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên nếu NHNN áp trần lãi suất chung cho cả năm 2012 thì chắc chắn sẽ không có tăng trưởng GDP là 5,03%. Ví dụ, vốn đổ vào bất động sản trong nhiều năm qua đã tạo ra lợi nhuận lớn nên DN sẵn sàng vay với lãi suất cao nhất. Nếu áp trần lãi suất cho vay thì sẽ không đánh giá được tình hình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, NHNN quyết định chỉ áp trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Có thể năm nay, NHNN sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD với lãi suất hợp lý hơn để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.


Thống đốc có cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu TCTD của Việt Nam thời gian qua thực hiện còn có phần chậm trễ?


Theo tôi, ý kiến này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là nợ xấu được xử lý nhanh là tốt nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thì không thể được. Chẳng hạn ở Mỹ, Chính phủ nước này có nguồn lực tài chính lớn nên bỏ ra một cục tiền mua hết các khoản nợ xấu, cơ quan quản lý thì nắm danh mục các khoản nợ. Ở Việt Nam thì không thể áp dụng cách thức đó. Trong hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn”, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cam go hơn nhưng chúng ta xử lý như hiện nay là khá quyết liệt. Tính đến tháng 10/2012, số nợ được cơ cấu lại là 252.000 tỷ đồng. Các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro với mức dự kiến khoảng 90.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2012, đã trích lập được 78.000 tỷ đồng. Riêng về nợ xấu, các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng.


Thưa ông, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và thành lập công ty quản lý tài sản. Đến nay, tiến độ thực hiện đề án này ra sao?


Xử lý nợ xấu sẽ là một trong các nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống ngân hàng trong năm 2013 và bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4 - 5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng. Cụ thể: NHNN đã có những giải pháp để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu qua nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia cũng đã được hoàn thiện và đang trình Chính phủ. Theo tôi, nếu được thông qua, đây sẽ là một công cụ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong năm 2013.


Năm 2013, ngành ngân hàng sẽ làm gì để giá vàng trong nước sát với giá thế giới?


Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý thị trường vàng không đặt ra vấn đề làm sao để giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới mà là để bình ổn thị trường vàng. Thực tế không có “cơn sốt” vàng nào. Chính các TCTD đang phải mua vàng vào để tất toán các khoản tín dụng vàng trước đây, nhu cầu lớn thì giá cao. Quan trọng là sau khi yêu cầu các TCTD ngừng việc huy động và cho vay vàng, NHNN sẽ chuyển sang mua bán, tăng thêm nguồn dự trữ vàng có lợi cho quốc gia.


Trong năm 2013, NHNN vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ cần thiết để triển khai Nghị định 24 nhằm tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguời dân, đồng thời chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng. Trong dài hạn, nhằm mục tiêu huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo, mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, bảo đảm sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng.


Xin cảm ơn ông!



Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN