Sẽ siết chặt các doanh nghiệp vận tải

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (ảnh) đã bất ngờ lên “ghế nóng” của chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” phát sóng trong chương trình thời sự, trên kênh VTV1- Đài THVN, tối 17/3, cũng bởi con số giật mình về sự gia tăng của số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) trong 2 tháng đầu năm 2013: tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.


Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này? Ai phải chịu trách nhiệm về việc “dồn dập” xảy ra các vụ tai nạn giao thông, trong đó có khá nhiều vụ do xe khách gây ra? Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giải đáp những vấn đề này khá chi tiết trong chương trình.

Phải đảm bảo “giảm bền vững” TNGT


Nói khác đi là phải đảm bảo tăng bền vững yếu tố an toàn trong giao thông cho người dân trong thời gian tới! Về điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đều hết sức quan tâm và đang nỗ lực tìm những giải pháp để thực hiện.


Tuy nhiên, rõ ràng việc TNGT lại gia tăng trở lại trong đầu năm 2013, sau khi lần đầu tiên trong hơn 10 năm, vào năm 2012, người dân đã cảm thấy có thể vui mừng vì số lượng người chết vì TNGT đã giảm xuống dưới 10.000 người, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã giảm xuống rõ rệt; đã khiến người dân đặt câu hỏi về việc liệu có thể “giảm bền vững” được TNGT hay không?


Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Năm 2012, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Bộ GTVT, cũng như các cơ quan chức năng đã luôn tìm mọi cách để đảm bảo tính bền vững của sự giảm thiểu đó. Nhưng ông Thăng cũng thừa nhận: “Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo từ cuối 2012 và các cơ quan, ban ngành đã vào cuộc tích cực bằng đợt cao điểm 3 tháng để đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm, nhưng thật đáng tiếc, trong 2 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông tăng, đặc biệt số người chết đã tăng tới 17%”. Bộ trưởng chỉ rõ, trong đó, tai nạn giao thông xe khách là tăng nhiều hơn cả, đặc biệt là vụ tai nạn 8/3 vừa rồi tại Cam Ranh (Khánh Hòa) khiến 12 người chết và 50 người bị thương.


Phân tích nguyên nhân của vụ tai nạn này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Có nguyên nhân từ các cơ quan quản lý nhà nước, cả nguyên nhân từ chủ doanh nghiệp vận tải, cũng như của bản thân lái xe. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, để có thể khắc phục tình trạng này, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. “Thứ nhất, với các cơ quan quản lý nhà nước, phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về vận tải hành khách, vì vận tải hành khách là một loại kinh doanh có điều kiện, nên phải xem xét lại các điều kiện kinh doanh như thế đã phù hợp chưa? Có cần thiết phải tăng cường và siết chặt hơn nữa không? Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trao đổi với các doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội vận tải, để làm sao đưa ra được điều kiện vận tải phù hợp, vừa có thể quản lý một cách chặt chẽ nhất, nhưng cũng lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải phát triển.


Theo Bộ trưởng Thăng, hạ tầng giao thông không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT, bởi qua phân tích nguyên nhân TNGT vừa qua, nhất là tai nạn xe khách, thì phần lớn những vụ tai nạn đều xảy ra ở những đoạn đường rất tốt, không bị che khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng khẳng định: Hạ tầng giao thông cũng là một điểm nghẽn cần khắc phục để đảm bảo cho giao thông được thông suốt, an toàn. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã có những giải pháp hết sức quyết liệt, đồng bộ và mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ, cũng như đảm bảo chất lượng của những công trình giao thông.

Thứ hai, chúng tôi sẽ phải siết chặt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vì các doanh nghiệp này hiện nay thường khoán trắng, khoán gọn, khoán doanh thu cho các lái xe. Các lái xe thì góp xe, góp cổ phần vào hợp tác vào doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có trách nhiệm gì với lái xe, kể cả mua bảo hiểm và vấn đề điều kiện sức khỏe của lái xe. Lái xe hoàn toàn được chủ động trong hành trình của mình, do đó lái xe đã vi phạm các quy định: Quy định một ngày vượt không lái quá 10 giờ, không lái 4 giờ liên tục, dẫn đến tình trạng lái xe luôn luôn phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, không tuân thủ những quy định về luật giao thông đường bộ”.


Cũng theo Bộ trưởng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là lợi nhuận. Do doanh nghiệp vận tải khoán trắng, nên dẫn tới lái xe làm bừa khiến TNGT xảy ra. “Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GTVT, sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát; tăng cường ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ, cũng như tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của người lái xe. Bởi cũng không thể loại trừ một trong những nguyên nhân là một số ít người thực thi công vụ đã không thực hiện nghiêm túc công việc của mình, còn có hiện tượng lơ là, bỏ qua cho lái xe, doanh nghiệp vận tải, dẫn tới tình trạng TNGT như vừa qua”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Không có hiện tượng “phí chồng phí”


Trả lời câu hỏi về những bức xúc của người dân về việc hiện “phí vẫn chồng phí”, các trạm thu phí dù có quy định dừng thu từ 1/1/2013 nhưng vẫn tiếp tục thu phí, Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích rõ: Theo Nghị định 18 của Chính phủ hướng dẫn nội dung này trong Luật Giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, thì bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm 2013, tất cả các trạm thu phí của Nhà nước phải dừng hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 19 trạm thu phí của Nhà nước (trong tổng số 57 trạm thu phí trong cả nước) đã dừng ngay việc thu phí từ 1/1/2013. Tuy nhiên, còn với 4 trạm thu phí cũng của Nhà nước, nhưng đã được Nhà nước đồng ý chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân, thì vẫn tiếp tục thu phí. “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đang đàm phán với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp này để Nhà nước mua lại các trạm thu phí. Tuy nhiên, để đàm phán được cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, việc mua lại các trạm thu phí phải dùng vốn ngân sách nhà nước, do đó các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự cân đối nguồn vốn, báo cáo Chính phủ, từ đó mới có nguồn vốn mua lại các trạm thu phí. Chúng tôi sẽ cố gắng mua lại sớm nhất, để 4 trạm thu phí này sớm dừng thu theo quy định”.


Cũng theo Bộ trưởng, không có việc “phí chồng phí”, bởi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, cũng như quy định về quỹ bảo trì đường bộ, phí này được dùng để bảo trì các con đường đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Còn với những con đường đầu tư bằng nguồn vốn BOT và nguồn vốn khác không phải nhà nước, thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư, bảo trì, sửa chữa.

T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN