Rét đậm, rét hại kéo dài liên tiếp những ngày qua tại miền Bắc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhiều người già, trẻ nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe trong nền thời tiết lạnh dự kiến còn kéo dài đến tận đầu tháng 3/2012, người già và trẻ nhỏ cần được chăm sóc đặc biệt hơn.
Tại nhiều bệnh viện, người già, trẻ em nhập viện đang gia tăng do mắc các bệnh về hô hấp, huyết áp, tim mạch…
Gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ
BS Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Trong một tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhi phải nhập viện điều trị tuy không thay đổi song tỷ lệ các ca bệnh nặng lại tăng mạnh”.
Bệnh nhân đến cấp cứu, khám, điều trị tăng gấp đôi so với những ngày đầu năm tại Bệnh viện Lão khoa. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Tại khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang có khoảng 10 bệnh nhân nặng phải hỗ trợ hô hấp, một số trường hợp chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, có một cháu bé tử vong vì viêm phổi do nhập viện quá muộn, gia đình tự ý điều trị bằng thuốc nam tại nhà. Hiện tại, khoa Nhi điều trị cho khoảng 80 bệnh nhi, phần lớn là trẻ mắc các bệnh hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản phổi).
Trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, mỗi ngày khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận từ 70 - 80 trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi… Vào những ngày cuối tuần, số bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên khám và điều trị tăng, cao điểm lên đến 95 bệnh nhân. Điều đáng nói là người dân thường chủ quan, chỉ đưa trẻ đến viện khi bệnh quá nặng, một số cháu nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, co giật, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Còn tại BV Nhi Trung ương (TƯ), tuy số lượng bệnh nhi tới khám không tăng song số các ca nặng nhập viện do mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy cấp do Rota vi rút cũng đang có xu hướng tăng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa khẳng định diễn biến bệnh tật vẫn mang tính quy luật như mỗi năm, tức là tỷ lệ trẻ mắc những bệnh này thường tăng hơn vào mùa đông, xuân.
TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho hay: Đối với các bệnh về đường hô hấp, nhất là viêm mũi họng thì tới 90% ca bệnh là do vi rút, chỉ 10% số ca bệnh còn lại là có chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Nhiều khi sốt vi rút cũng gây nên tình trạng trẻ ho kéo dài một vài tuần. Do đó, các bậc cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ khi thấy trẻ có dấu hiệu thông thường như ho, sốt, sổ mũi… Quan trọng nhất vẫn là vệ sinh mũi họng và dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu nặng hơn, cha mẹ cần đưa tới bệnh viện để được thăm khám, làm những xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị thích hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Cảnh giác với bệnh tăng huyết áp ở người già
“Trong những ngày vừa qua, bệnh nhân cao tuổi vào cấp cứu tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thường ngày. Mức độ bệnh cũng trầm trọng hơn, nhiều ca nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng cao, suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao”, Ths. BS Ngô Trọng Toàn, Trưởng Khoa Hồi sức- Cấp cứu, Bệnh viện Lão Khoa TƯ, cho biết.
Thời tiết rét tác động nhiều đến sức khỏe của con người, làm giảm sức đề kháng. Do đó, người già dễ bị mắc bệnh hoặc làm bệnh (sẵn có) nặng hơn. Đây là lý do vì sao trong vòng một tuần nay, các bác sĩ tại Khoa Hồi sức- Cấp cứu thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân nặng bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Thậm chí, đã có trường hợp bị tử vong do biến chứng của tăng huyết áp.
Vì vậy, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế, trong những ngày thời tiết quá lạnh như hiện nay, những bệnh nhân huyết áp cần đặc biệt lưu ý, áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe. Khi thời tiết trở lạnh, sẽ gây co mạch và làm huyết áp ở bệnh nhân tăng. Trong trường hợp, có thể liều thuốc hạ huyết áp thông thường không kiểm soát được, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát huyết áp. Khi đó, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây biến chứng tai biến mạch máu não, thậm chí tử vong.
“Trường hợp đã uống thuốc hạ huyết áp nhưng huyết áp vẫn tăng thì cần bình tĩnh xử trí bằng cách gọi điện cho bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ thường điều trị để được tư vấn kịp thời. Tuyệt đối tránh tình trạng cho người bệnh sử dụng liên tục thuốc hạ áp để huyết áp tụt xuống một cách nhanh chóng, dễ khiến người bệnh bị nhồi máu não, thậm chí tử vong”, Ths Toàn khuyến cáo.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch, cũng khẳng định: Trong những ngày thời tiết rét đậm, thì tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến mạch não thường tăng hơn hẳn. Ngoài ra, khi thần kinh căng thẳng, lo âu quá mức... cũng có thể là nguyên nhân khiến huyết áp của bệnh nhân tăng vọt. Thời tiết lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp.
Để hạn chế tình trạng tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ việc khám và điều trị thường xuyên theo đơn của bác sĩ. Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, liên tục theo đúng phác đồ điều trị.
Bên cạnh đó, người bệnh cần phải điều chỉnh tất cả các yếu tố nguy cơ: Phải điều chỉnh chế độ ăn uống, nên ăn nhạt, bớt rượu bia, chú ý giữ ấm và hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ luyện tập một cách hợp lý nhất...
Phương Liên, TTN