Quyết liệt phòng chống dịch cúm và dịch sởi

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến“Tăng cường phòng, chống dịch sởi và dịch cúm ở người” do Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu các địa phương chủ động, làm hết trách nhiệm thì không chỉ phòng, chống dịch bệnh đang diễn ra mà nhiều hoạt động khác cũng sẽ đạt hiệu quả cao”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, bởi dịch cúm A/H7N9 đang gia tăng đột biến tại Trung Quốc và đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp với nước ta, trong khi tình trạng gia cầm nhập lậu rất khó kiểm soát.

 

Kiểm tra các phương tiện qua chốt kiểm dịch động vật huyện Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

 

Về cúm A/H5N1, từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam đã có 2 ca tử vong do dịch bệnh này. Cả nước lại đang xuất hiện tới 64 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm nên nguy cơ dịch bệnh này lây sang người là rất cao.


Đối với dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, đại diện Bộ Y tế nhận định đây là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan thì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Nhằm khống chế dịch sởi, giảm số ca mắc và biến chứng do sởi, từ nay đến tháng 4/2014, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch tiêm vắcxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắcxin sởi trên toàn quốc. Đối tượng tiêm vắcxin sởi là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm vắcxin sởi, trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắcxin và những đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định.


Trước nguy cơ dịch chồng dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Dịch sởi xuất hiện sau 3 năm không phải do tỷ lệ tiêm chủng vắcxin thấp mà đó là chu kỳ dịch, đồng thời cũng do tích tụ số trẻ chưa được tiêm chủng từ nhiều năm trước. Bởi vậy, Bộ Y tế và cả hệ thống chính trị cần đặc biệt lưu ý việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng các loại vắcxin mà thời gian qua vì nhiều lý do nên bị giảm xuống. Hiện nay, chúng ta chưa thấy sự ảnh hưởng của việc giảm tỷ lệ tiêm chủng này nhưng những năm sau sẽ có hậu quả rất lớn vì dịch sởi hiện nay là một minh chứng cụ thể”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngày 22/2, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và phòng, chống cúm A/H7N9 xâm nhập vào nội địa. Tại hội nghị, giải pháp tối ưu được đưa ra là việc siết chặt kiểm tra theo hình thức "nội bất xuất, ngoại bất nhập", quản lý chặt chẽ việc lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vào nội địa và không giấu dịch, vận chuyển gia cầm vùng dịch ra khỏi địa bàn để dịch lây lan, khó kiểm soát. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tích cực, kiên quyết trong công tác kiểm soát, xử lý vận chuyển lưu thông, buôn bán gia cầm nhập lậu. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm qua biên giới, phát hiện và xử lý nghiêm, quản lý chặt chẽ gia cầm tại các chợ biên giới; tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch.


Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành y tế cần chú trọng hướng dẫn kỹ thuật cụ thể và có sự ràng buộc trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng tiêm chủng. Việc ngành y tế nêu ra giải pháp sẽ thành lập các đội tiêm vắcxin sởi lưu động tiêm cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa là rất tốt; song cần chú ý vấn đề cấp cứu trong trường hợp xảy ra sự cố tiêm chủng.


Về hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm ở người, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; trong đó quan trọng là giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng triển khai các tình huống, cấp độ phòng, chống dịch tùy theo tình hình. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, việc tuyên truyền về dịch bệnh cần cụ thể, đúng mức để nhân dân không hoang mang nhưng vẫn cảnh giác cao độ với các dịch, bệnh.


“Các bộ, ngành ở Trung ương không nên tổ chức quá nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở địa phương, mà điều quan trọng là các địa phương phải nâng cao ý thức, triển khai mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Nếu các địa phương chủ động và làm hết trách nhiệm thì không chỉ phòng chống dịch, bệnh đang diễn ra mà nhiều hoạt động khác cũng sẽ đạt hiệu quả cao”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

 

TS.Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam:

Chú trọng sự phối hợp liên ngành giữa ngành nông nghiệp và y tế…”

Dịch cúm gia cầm A/H7N9 là một nguy cơ, hiểm họa đối với Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để ngành y tế thể hiện năng lực đối phó với dịch bệnh. Theo tôi, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong toàn hệ thống nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch cúm A/H7N9. Thời gian tới, Việt Nam cần chú ý 3 vấn đề chính gồm: Sự phối hợp liên ngành giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp, vì cúm A/H7N9 là bệnh lây từ gia cầm sang người; sự ứng phó nhanh và đẩy mạnh thông tin, truyền thông trong toàn bộ hệ thống.

 

TS.Scott Newman, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, Trung tâm khẩn cấp Kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới, Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam:

“Thường xuyên vệ sinh các chợ bán lẻ gia cầm sống”

Để phòng dịch cúm gia cầm, tất cả chợ bán lẻ gia cầm sống phải được vệ sinh và khử trùng thường xuyên, đúng cách. Cần đảm bảo rằng tất cả số gia cầm sống được bán trong các chợ phải có sự giám sát của ban quản lý chợ. Nếu phát hiện virút cúm A/H7N9 trên người hoặc trên gia cầm sống ở chợ, cơ quan chức năng cần: đóng cửa khu vực bán gia cầm sống trong chợ, tiêu hủy, đốt và hỗ trợ người chăn nuôi hoặc buôn bán; truy xuất nguồn gốc gia cầm… Vệ sinh và khử trùng đúng cách để phá vỡ chu trình lan truyền của virút là một hoạt động quan trọng nhất để ngăn chặn virút cúm A/H7N9 lây lan ra cộng đồng.

Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN