Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, bắt đầu từ chiều 12/6, Quốc hội khóa XIII tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi và giám sát.

 

Chất lượng trả lời các kiến nghị của cử tri đã nâng cao


Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và gửi 1.487 kiến nghị của cử tri cả nước đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri. Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã nghiên cứu, giải quyết, trả lời 1.487/1.487 kiến nghị của cử tri.


 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

 

Theo Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với các kỳ họp Quốc hội trước đây, trong và sau Kỳ họp thứ 4, hầu hết các bộ, ngành đều đã tích cực quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu, kịp thời có văn bản trả lời cử tri, giúp các đại biểu Quốc hội có thông tin tương đối đầy đủ để báo cáo cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, trong đó một số bộ có văn bản trả lời sớm, ngay sau Kỳ họp thứ 4 như các bộ: Giao thông-Vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Một số bộ, cơ quan ngang bộ có nhiều kiến nghị nhưng đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời cử tri như: Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Chất lượng nội dung văn bản giải quyết, trả lời cử tri được nâng lên, trả lời đúng trọng tâm những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường hơn, chặt chẽ hơn, nhất là những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm chung; Văn phòng Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến việc tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ phân công, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành giải quyết và phối hợp giải quyết kiến nghị của cử tri.


Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục chủ động rà soát, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã trả lời là đang, sẽ giải quyết; tiếp tục tổ chức thực hiện các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước; đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần bảo đảm việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được kịp thời, chất lượng, hiệu quả.


Nghiêm túc triển khai nghị quyết của Quốc hội


Thay mặt Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về chất vấn và trả lời chất vấn. Ngay sau kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc triển khai nghị quyết, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Trong và giữa hai kỳ họp Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã có văn bản trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp này, các thành viên Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo kết quả việc thực hiện các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước tại các kỳ họp trước.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội trong 4 lĩnh vực, bao gồm 22 nhóm nhiệm vụ.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo. Các bộ và địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực như giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản nhập khẩu gia cầm trái phép; rà soát tổng thể quy hoạch xây dựng; hoàn thiện quản lý chất lượng và chi phí các công trình xây dựng; giảm mặt bằng lãi suất; quản lý thị trường vàng; cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém; quản lý giá thuốc; quản lý an toàn thực phẩm; khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh... Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện.


Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ trân trọng tiếp thu ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, đồng thời rất mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào.

 

Tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp


Sau hai báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn.


Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề: Biện pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm; trách nhiệm và giải pháp trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về giá cả và chất lượng của cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.


Nêu lên những hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay như sản xuất không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ, giá vật tư tăng cao, bị cạnh tranh gay gắt... làm người sản xuất không có lãi, bị “lỗ kép” bởi doanh thu giảm nhưng chi phí tăng, các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)... đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp hỗ trợ cụ thể, trực tiếp hơn nhằm khắc phục khó khăn, nông dân thoát nghèo, yên tâm sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.


Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giải pháp quan trọng có tính chất đột phá, giải quyết được một cách căn cơ những tồn tại hiện nay là triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Một mặt, Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giữ giá cho nông dân; mặt khác, chỉ đạo ngành ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua vật tư; duy trì đàn gia súc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cho nông dân.


Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, các giải pháp nằm trong Đề án tái cơ cấu, vừa hỗ trợ trực tiếp vừa đầu tư vào các nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ như nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp cải tiến giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp người nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả. “Rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước cho khu vực nông thôn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.


Nhức nhối phân bón giả


Liên quan đến lĩnh vực sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, một số đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, vẫn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không kiểm soát được giá cả… và yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.


Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện là vấn đề bức xúc mà biện pháp chính là xây dựng hành lang pháp lý. Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ ban hành thông tư, xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật, củng cố hệ thống quản lý thuốc cũng như các loại vật tư; thường xuyên kiểm tra sản phẩm, cơ sở sản xuất, đấu tranh với buôn lậu (phần lớn thuốc và vật tư giả trên thị trường có nguồn gốc từ buôn lậu), xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.


Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải trình thêm: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây nhức nhối trong dư luận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều biện pháp nhưng kết quả chưa được như mong muốn mà hai nguyên nhân chính là do: Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ còn bất cập và chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định bao quát diễn biến mới, tạo thêm căn cứ pháp lý cho sản xuất, kinh doanh phân bón và dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là căn cứ pháp lý, quan trọng là các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.


Giải trình thêm về vấn đề thẩm định chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) của Bộ đã được đầu tư từ nhiều năm, tiềm lực trang thiết bị đảm bảo sự tin cậy trong quá trình kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, đặc biệt là phát hiện hàng kém chất lượng, hàng hóa, sản phẩm độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, thực hiện Luật Thanh tra mới, thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn chất lượng không còn tồn tại mà chỉ có Thanh tra Nhà nước. Trong các đội kiểm tra liên ngành, Bộ Khoa học Công nghệ phải phối hợp với cơ quan quản lý thị trường. Hơn nữa, các chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, nên vẫn có tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng vi phạm tiếp tục tái phạm.


Sáng nay, 13/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

 

Hỗ trợ cho người tham gia phòng cháy, chữa cháy


Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố.


Về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở, một số đại biểu cho rằng việc có chế độ chính sách hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng là cần thiết, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia PCCC ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương; cần thực hiện theo hướng hỗ trợ trực tiếp những người tham gia PCCC, đặc biệt đối với những trường hợp bị thương khi tham gia chữa cháy.


TTN

Thống đốc NHNN giải đáp phần nào thắc mắc của cử tri

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không phải đăng đàn trước Quốc hội. Tuy nhiên trước đó, “tư lệnh” ngành ngân hàng đã báo cáo giải trình trước Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 liên quan tới các vấn đề “nóng” của ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN