“Quan trọng là giữ ấm cho trẻ”

“Thời tiết lạnh giá, không chỉ có các bậc cha mẹ cần phải chú ý giữ ấm cho trẻ mà các khoa nhi tại các bệnh viện cũng cần phải lưu ý vấn đề này, nhất là trong việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhi nặng từ tuyến dưới lên tuyến trên”, BS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ, trao đổi với Tin tức về biện pháp phòng bệnh cho trẻ trong những ngày rét đậm, rét hại.

 

´Việc giữ ấm cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?


Hiện nay, khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 200 bệnh nhi điều trị, 50% trong số đó là trẻ đẻ non, nhẹ cân, mắc bệnh nặng, được chuyển đến từ các tỉnh xa như: Nghệ An, Bắc Kạn, Cao Bằng… Do những đặc điểm về cấu tạo, sinh lý, về sự phát triển chưa chín muồi của các hệ cơ quan trong cơ thể cho nên trẻ sơ sinh non tháng có nguy cơ cao về hạ thân nhiệt bởi khả năng điều nhiệt kém, tỷ lệ diện tích da bề mặt cơ thể lớn hơn, da mỏng, mô mỡ dưới da ít hơn. Việc trẻ bị hạ thân nhiệt có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, hạ đường huyết, ngưng thở. Nhiều lần, chúng tôi đã rất đau lòng khi những ca được chuyển từ tỉnh xa tới viện thì thân thể của bệnh nhi đã lạnh ngắt, không kịp nhập viện vì bé bị hạ thân nhiệt trên đường đi. Do đó việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng trong quá trình chuyển viện là rất quan trọng. Nếu trong quá trình vận chuyển cấp cứu đó không đảm bảo giữ ấm thì dễ khiến trẻ bị hạ thân nhiệt, làm bệnh của trẻ thêm nặng và có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng.


Rất may, từ đầu vụ rét tới nay, tại khoa chưa phải chứng kiến trường hợp đáng tiếc nào như vậy. Tuy nhiên, cũng có một số cháu bị hạ thân nhiệt trong quá trình vận chuyển, khiến bệnh tình của cháu nặng hơn, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.


Để có thể đảm bảo an toàn, việc vận chuyển cấp cứu các bé sơ sinh đòi hỏi phải có hệ thống hỗ trợ hô hấp đi kèm như máy thở, lồng ấp, trang thiết bị hỗ trợ về truyền dịch, dinh dưỡng… Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó thực hiện, nhất là tại các cơ sở y tế tuyến dưới, phần lớn các đơn vị thiếu trầm trọng trang thiết bị cấp cứu nhi khoa, nhất là trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển cấp cứu trẻ sơ sinh. Để khắc phục tình trạng này, một số bệnh viện tuyến dưới đã sáng tạo giữ ấm cho trẻ trong quá trình vận chuyển bằng cách sử dụng hệ thống điều hòa, giữ bé trong thùng có bóng đèn… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi chuyển viện trong tình trạng bệnh nặng thì bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của các cơ sở y tế, hệ thống nhi khoa cần sớm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng.


´Theo dự báo, không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường tại các tỉnh miền Bắc. Vậy các gia đình có thể phòng bệnh cho con trẻ bằng cách nào, thưa bác sĩ?


Theo tôi, điều quan trọng vẫn là giữ ấm cho trẻ. Tại gia đình, nếu có điều kiện thì có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách dùng điều hòa hai chiều hoặc lò sưởi. Lưu ý không nên để nhiệt độ quá cao vì sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài nhà dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp. Thông thường nên để nhiệt độ khoảng từ 20 - 25oC. Đặc biệt, cần tránh các kiểu sưởi ấm bằng cách dùng lò than hoặc bếp than ủ trong phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO, gây nguy hiểm tính mạng.


Với các bé sơ sinh, các bậc cha mẹ còn có thể sử dụng một phương pháp giữ ấm rất hiệu quả là giữ ấm bằng phương pháp Kangaroo (còn gọi là phương pháp chuột túi hay da kề da). Theo đó, bất kỳ ai trong gia đình cũng có thể ủ ấm cho trẻ bằng cách ôm sát trẻ vào ngực trong làn áo của người ôm trẻ sao cho có sự tiếp xúc da kề da càng nhiều càng tốt. Phương pháp này không chỉ có tác dụng giữ ấm cho trẻ trong những ngày lạnh giá mà còn giúp duy trì mối quan hệ tình cảm thân thương gắn bó như lúc trẻ còn trong bụng mẹ. Với các bà mẹ thì việc sử dụng phương pháp này sẽ giúp mẹ có nhiều sữa hơn và cho con bú tốt hơn. Đặc biệt, sẽ giúp trẻ ít bị nhiễm trùng bệnh viện và ít bị nhiễm khuẩn đường hô hấp...


Trong trường hợp phải đưa trẻ nhỏ ra ngoài khi trời lạnh giá thì cần chú ý giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm cho trẻ khi ra đường. Có thể giữ ấm thêm bằng cách sử dụng những túi chườm nóng, cho trẻ mặc áo mưa…


Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Cho trẻ uống nước ấm để tránh viêm họng. Thường xuyên vệ sinh mũi họng, làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày. Chú ý, cần ngâm lọ nước muối vào nước ấm trước khi tra mũi cho trẻ.


Bên cạnh đó, cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khi thấy trẻ có triệu chứng: sốt, ho, khó thở, đau ngực, nôn, đau đầu... phải đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự điều trị cho trẻ, việc đưa trẻ đi khám muộn hoặc dùng thuốc không đúng, không đều dễ gây các biến chứng nguy hiểm.


Xin cảm ơn bác sĩ!

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa rét
Phòng bệnh cho trẻ trong mùa rét

Rét đậm kéo dài tại các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng vì mắc các bệnh hô hấp hoặc bị bỏng do cha mẹ sưởi ấm cho con không đúng cách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN