Học sinh cá biệt (HSCB) là thuật ngữ nhà trường, thầy cô giáo dùng để chỉ những học sinh thường gây gổ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học… không chấp hành nội qui nhà trường … Thêm vào đó là sự lôi kéo bạn bè về phía mình nhằm thỏa mãn cá tính hoặc thỏa mãn nhu cầu giải tỏa tâm lý bị ức chế về hoàn cảnh của bản thân mình.
Những học sinh này thường lười biếng trong học tập, hay trốn học và lảng tránh các hoạt động tập thể. Biểu hiện thường thấy ở các em là hay ngủ gật trong giờ học, lười chép bài, học bài nhưng lại tỏ ra rất nhanh trí trong những trò tinh nghịch với thầy cô, bè bạn.
Những học sinh này thường trêu ngươi, khiêu khích bạn bè, thầy cô giáo để thỏa mãn những nhu cầu tinh nghịch được xếp sẵn trong đầu. Điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong nhà trường, trật tự trị an xã hội và quan trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai cuộc sống của các em sau này.
Quản lý giáo dục HSCB là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, là một thách thức lớn không chỉ đối với ngành giáo dục. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến HSCB là gia đình thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, động viên các em trong học tập, vui chơi. Có gia đình phó thác việc giáo dục con cái cho thầy cô giáo, chỉ biết làm ăn, đến khi hối hận thì đã muộn.
Một số gia đình bị đổ vỡ, vợ chồng ly dị hoặc có cuộc sống thiếu lành mạnh như có người nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc... khiến con cái mất niềm tin, sa vào các thói hư tật xấu, trở thành HSCB.
Một số gia đình do nuông chiều, thỏa mãn những đòi hỏi kỳ quặc của con cái cũng vô tình tạo cho các em trở thành những người sống ích kỷ, nhỏ nhen. Hãy tập cho các em có tính tự lập ngay từ nhỏ, biết khắc phục những khó khăn trong cuộc sống đời thường, biết quan tâm đến người khác. Phải để cho các em thấy được sự lao động vất vả khó nhọc khi làm ra đồng tiền và biết cách sử dụng đồng tiền như thế nào cho có hiệu quả.
Về phía nhà trường, các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải nắm thông tin đầy đủ, kịp thời về học sinh của mình, đặc biệt là những HSCB để đề ra những biện pháp giáo dục thích hợp. Thực tế trong nhà trường phổ thông hiện nay việc giáo dục HSCB chủ yếu là do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, nhưng thời gian dành cho công tác chủ nhiệm không nhiều. Thường thì mỗi giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với lớp chủ nhiệm khoảng 6-7 tiết/tuần nhưng cũng có giáo viên chỉ có tiếp xúc với lớp không quá 3 tiết/tuần. Cần dành thời gian và gần gũi với các em nhiều hơn. Trong chương trình giảng dạy, nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa có tính hấp dẫn, bổ ích; giúp cho các em phát huy tính hiếu động sáng tạo, tinh thần tập thể, cộng đồng. Thực tế hiện nay, các hoạt động, phong trào trong nhà trường nhìn chung còn nghèo nàn, mang tính hình thức, chưa lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia.
Tránh đối xử thô bạo, trách móc các em, hãy tôn trọng nhân cách các em. Cha mẹ, anh chị, thầy cô, bè bạn hãy gần gũi, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện và cơ hội để các em HSCB sửa chữa những lỗi lầm, khuyết điểm; giúp các em lấy lại lòng tin, lòng tự trọng. Đừng bao giờ để các em đánh mất niềm tin ở chính bản thân mình. Góp phần giáo dục HSCB là một công việc khó khăn, phức tạp, hết sức nhạy cảm, đòi hỏi sự kiên trì, lòng nhiệt tình và tình thương yêu chân thành.
Lê thị Thúy Mong