Quân đội Libya tuyên bố giải tán quốc hội lâm thời

Ngày 18/5, người đứng đầu lực lượng quân cảnh Libya, Đại tá Mokhtar Fernana đã tuyên bố giải tán Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - quốc quốc hội lâm thời nước này) và trục xuất các "phần tử khủng bố" khỏi thủ đô Tripoli.

Trong thông báo được hai kênh truyền hình tư nhân đăng tải, ông Fernana tuyên bố các quan chức quân đội Libya quyết định hội đồng hiến pháp sẽ đảm nhiệm vai trò của quốc hội, trong khi chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Abdullah al-Thinni tiếp tục điều hành đất nước tới khi tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử.

Biểu tình tại Tripoli, phản đối bạo lực gia tăng ở Benghazi ngày 16/5. Ảnh: THX/TTXVN


Trước đó, vào chiều cùng ngày, lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya, do tướng về hưu Khalifa Hafta đứng đầu, đã tấn công vào trụ sở quốc hội Libya, trục xuất các nghị sĩ và khiến một phiên họp bị hoãn lại. Trong một tuyên bố, lực lượng Quân đội quốc gia Libya cho biết cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội là nhằm "thanh trừng các phần tử đạo Hồi" và không phải là âm mưu tiếm quyền. Trong khi đó, Bộ Y tế Libya xác nhận các cuộc đấu súng xảy ra gần tòa nhà quốc hội và trên các tuyến đường dẫn tới sân bay quốc tế Tripoli đã khiến ít nhất 2 người chết và 60 người bị thương.

Đại tá Mokhtar Fernana cho rằng vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội không phải là một cuộc đảo chính mà là "hành động đúng đắn theo tinh thần cách mạng". Ông Fernana cũng tuyên bố đất nước Libya không thể trở thành môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố.

Hãng tin AFP (Pháp) cho biết ngay sau khi phát đi bài phát biểu của Đại tá Fernana, kênh truyền hình tư nhân "Quốc tế Libya" đã bị nã đạn pháo. Í́t nhất 4 quả đạn pháo rơi xuống trụ sở của kênh truyền hình này, song chỉ gây thiệt hại về vật chất.

Theo truyền thông địa phương, quan điểm của đại tá Fernana là ủng hộ Tướng về hưu Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng Quân đội quốc gia Libya ngày 16/5 tấn công vào Benghazi, thành phố lớn thứ hai tại Libya, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Chính phủ lâm thời Libya sau đó tuyên bố hành động của tướng Haftar là hành vi đảo chính, đồng thời thiết lập một vùng cấm bay tại Benghazi, và các vùng lân cận nhằm ngăn chặn lực lượng do Tướng Khalifa cầm đầu.

Ba năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, đất nước Libya vẫn chìm trong bất ổn. Lợi dụng sự yếu kém và lộn xộn của quân đội và cảnh sát, các nhóm phiến quân phát triển ngày càng nhiều và mạnh. Trong khi đó, Chính phủ và Quốc hội Libya liên tục bị người dân chỉ trích với các cáo buộc tham nhũng và không có khả năng cải thiện tình hình đất nước.


TTTXVN/Tin tức
Quốc hội Libya chia rẽ về kết quả bầu Thủ tướng
Quốc hội Libya chia rẽ về kết quả bầu Thủ tướng

Ứng cử viên Ahmed Miitig chỉ nhận được 113 phiếu, dưới mức 120 phiếu cần thiết theo quy định, vì vậy Quốc hội không công nhận ông Miitig là nhà lãnh đạo mới của Libya.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN