Sau khi bị dư luận quốc tế và trong nước gây sức ép, quân đội Burkina Faso ngày 2/11 đã cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết được sự đồng thuận của mọi bên.Người dân biểu tình phản đối quân đội chiếm quyền lãnh đạo đất nước tại thủ đô Ouagadougou ngày 2/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong một tuyên bố của trung tá Isaac Zida, tổng thống lâm thời vừa được chỉ định, quân đội cho biết một cơ quan chuyển tiếp sẽ được thành lập trong đó mọi thành phần được thông qua dựa trên sự nhất trí rộng rãi của các bên. Quân đội tuyên bố: “Quyền lực không phải là mối quan tâm của chúng tôi, vấn đề quan tâm lớn hơn là quốc gia”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi hàng trăm nghìn người đã xuống đường phản đối quân đội và ông Zida thâu tóm quyền lực.
Theo hiến pháp của Burkina Faso, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia lâm thời sau khi tổng thống từ chức. Tuy nhiên, sau khi tiếm quyền, quân đội nước này lại chỉ định ông Zida, phó chỉ huy lực lượng an ninh tổng thống làm lãnh đạo lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp. Nói về việc mình được chỉ định vào vị trí tổng thống lâm thời, ông Zida cho biết mục đích là để đảm bảo một quá trình chuyển giao dân chủ suôn sẻ và cam kết tham vấn với lãnh đạo dân sự và phe đối lập.
Trong cuộc biểu tình phản đối quân đội và ông Zida, một số người biểu tình đã tiếp tục phá phách và phóng hỏa tòa nhà quốc hội cũng như các tòa nhà chính phủ khác. Cuộc biểu tình đã bị quân đội giải tán bằng hơi cay và bắn súng chỉ thiên cảnh cáo, giết chết một người.
Lãnh đạo phe đối lập Saran Sereme đã cùng đám đông người ủng hộ tiến tới khu vực đài truyền hình RTB ngày 2/11 để tuyên bố nắm quyền trong giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị quân đội phá hỏng. Binh sĩ đã vào đài truyền hình và kênh này đã bị ngừng phát sóng trong vài giờ đồng hồ liền. Quân đội còn biểu dương lực lượng bằng cách triển khai xe thiết giáp dọc theo mọi con đường dẫn tới đài truyền hình quốc gia và đài phát thanh.
Tiếp đó, vệ binh tổng thống đã di chuyển vào khu vực Place de la Nation ở thủ đô Ouagadougou để chặn người biểu tình vào. Khu vực này là nơi diễn ra cuộc biểu tình bạo lực đòi Tổng thống Blaise Compaore từ chức sau 27 năm cầm quyền.
Phe đối lập cáo buộc quân đội “hớt tay trên” thành quả cuộc nổi dậy của người dân. Không chỉ người dân Burkina Faso phản đối, Chủ tịch Văn phòng Tây Phi của Liên hợp quốc cùng với Mỹ và Liên minh châu Phi đã chỉ trích quân đội nắm quyền lực, kêu gọi chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Thậm chí, phái viên Liên hợp quốc tại Tây Phi, ông Mohammed Ibn Chambas, cho biết sẽ có khả năng Burkina Faso bị trừng phạt nếu không có tiến triển nào trong quá trình chuyển giao quyền lực phù hợp với hiến pháp.
Chính biến tại Burkina Faso xảy ra ngày 30/10 khi làn sóng biểu tình gia tăng mạnh mẽ nhằm phản đối kế hoạch kéo dài nhiệm kỳ thêm 5 năm của Tổng thống Compaore. Tình trạng bất ổn buộc quốc hội thông báo hủy bỏ tiến trình sửa đổi hiến pháp. Ngay trong đêm 30/10, quân đội đã giải tán quốc hội, lật đổ Tổng thống Compaore và công bố một chính quyền chuyển tiếp trong 12 tháng.
Thùy DươngtNgười dân biểu tình phản đối quân đội chiếm quyền lãnh đạo đất nước tại thủ đô Ouagadougou ngày 2/11.