Hội nghị ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) tại Cairô ngày 2/3 đã ra nghị
quyết kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Libi, khẳng định ủng hộ chủ quyền và an
ninh của quốc gia Bắc Phi này.
Nghị quyết cũng "bác bỏ mọi hình
thức can thiệp của nước ngoài vào Libi", nhấn mạnh đàm phán là giải pháp
tốt nhất để bảo vệ người dân. Nghị quyết cho biết AL sẽ cân nhắc các
bước tiếp theo để bảo đảm an toàn cho người dân Libi, bao gồm khả năng
ủng hộ lập vùng cấm bay tại nước này.
Các ngoại trưởng cũng
quyết định hoãn hội nghị cấp cao thường niên của AL, dự kiến diễn ra
trong tháng này tại Bátđa (Irắc), đến cuối tháng Năm do tình trạng bạo
lực ở một số nước trong khu vực.
Nhân kỷ niệm 34 năm thành lập Ủy ban Dân tộc Libi, Tổng thống Moamer Kadhafi, tuyên bố sẽ chống lại lực lượng nổi dậy đến cùng-Ảnh AFP/TTXVN |
Các cường quốc phương Tây đang
thảo luận khả năng lập vùng cấm bay ở Libi và can thiệp quân sự để trợ
giúp lực lượng chống nhà lãnh đạo Muammơ Cađaphi (Muammar Gaddafi). Tuy
nhiên, phát biểu tại Ủy ban phân bổ Ngân sách của Thượng viện Mỹ ngày
2/3, Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn (Hillary Clinton) cho biết Oasinhtơn
vẫn chưa quyết định có áp đặt vùng cấm bay ở Libi hay không.
Giới lãnh
đạo quân sự Mỹ cho rằng việc áp đặt vùng cấm bay ở Libi hết sức phức tạp
trong khi NATO vẫn chưa nhất trí về bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào
Libi. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rôbớt Ghết (Robert Gates), việc
thiết lập một vùng cấm bay sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công vào Libi để làm
tê liệt hệ thống phòng không của nước này.
Trong khi đó, nguồn
tin từ Tripôli cho biết ngày 2/3, một số tàu chiến của các nước Mỹ, Anh,
Pháp, Canađa, Itali và Hàn Quốc đã xuất phát theo lộ trình hướng về
Libi. Tin từ cơ quan quản lý kênh đào Xuê (Suez) xác nhận hai tàu đổ bộ
tấn công USS Kearsarge và US Ponce của Mỹ, với một hạm đội máy bay lên
thẳng, các thiết bị y tế, 800 lính thủy đánh bộ và 400 lính tăng cường
đã đến Địa Trung Hải. Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS
Barry cũng đã đến kênh đào Xuê.
Chương trình Lương thực Thế giới
(WFP) ngày 2/3 đã công bố một chương trình viện trợ khẩn cấp trị giá
38,7 triệu USD dành cho 2,7 triệu người bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ở
Libi. WFP cho biết các kho lương thực đã cạn kiệt và các mạng lưới cung
ứng đã bị phá vỡ ở Libi, đồng thời kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp
cho nước này.
TTXVN