Từ khi các công trình cấp nước sạch được xây dựng và phát huy hiệu quả, việc được sử dụng nước sạch của nhiều người dân vùng nông thôn, miền núi ở tỉnh Phú Thọ đã trở thành hiện thực.
Người dân tộc Mường thôn Xuân Hạ, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, sử dụng nước sạch nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh: CTV |
Trước đây, người dân 3 xã vùng ven sông Hồng là Tình Cương, Hiền Đa, Cát Trù (huyện Cẩm Khê) phải sử dụng nước giếng - nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày của mình. Nước giếng ở đây sau khi bơm lên để 1, 2 hôm thấy có váng vàng, để lâu chuyển sang màu đen. Các thiết bị trong nhà sử dụng nước giếng cũng chuyển sang màu đen, lâu ngày bị tắc, hỏng. Cả làng không ai dám mặc áo trắng vì chỉ giặt một lần cũng sẽ chuyển sang màu vàng. Tóc từ người già đến trẻ em đều xơ xác vì gội nước giếng, nên nhiều hộ dân đã chuyển sang dùng nước mưa. Nguồn nước mưa tuy có trong hơn nước giếng nhưng để lâu vẫn chuyển sang màu tím, rồi đen.
Bởi vậy, công trình cấp nước sạch liên xã huyện Cẩm Khê do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã đem lại niềm vui cho hơn 9.000 dân các xã Tình Cương, Hiền Đa, Cát Trù của huyện Cẩm Khê. Từ khi có nước sạch sinh hoạt, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Thọ, cho biết: “Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, các xã khó khăn về nguồn nước. Nhất là từ khi Trung tâm nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn được sáp nhập với Chi cục Thủy lợi, công tác quản lý và điều hành về nước sạch nông thôn trên địa bàn được tốt hơn”.
Được biết, giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành 19 công trình, triển khai đầu tư xây dựng mới 33 dự án cấp nước tập trung từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng mức đầu tư trên 364 tỷ đồng, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 23 dự án. Ngoài ra, còn có gần 40 dự án do Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện cũng đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhìn chung các công trình sau khi hoàn thành bảo đảm chất lượng, yêu cầu thiết kế. Sau khi bàn giao cho các đơn vị quản lý, khai thác, phần lớn các công trình đều phát huy được tác dụng. Nâng tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh năm 2011 đạt 78,92%, tăng 9,56% so với năm 2010, tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sạch đạt trên 32,59%, tăng 17,92% so với năm 2010. Nâng tổng số người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh lên gần 70%.
Tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Phú Thọ đã quyết định sẽ đầu tư 1.832 tỷ đồng để xây dựng mới và đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước ở vùng nông thôn giai đoạn 2011 - 2020. Dự kiến đến năm 2015, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng 3 công trình, xây dựng mới 24 công trình, cải tạo 29.643 công trình cấp nước quy mô hộ gia đình. Nâng tổng số người được dùng nước phục vụ cho sinh hoạt hợp vệ sinh 1,1 triệu người (đạt 95% dân số nông thôn), trong đó 40% dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng tăng lên 74 công trình, xây dựng mới tăng lên 20 công trình, cải tạo thêm 19.994 công trình cho các hộ gia đình. Sẽ có thêm 1,2 triệu người (đạt 100% dân số nông thôn) được dùng nước phục vụ cho sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 65% dân nông thôn được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Lâm Đào An