Phong trào Không liên kết - Nửa thế kỷ khẳng định vai trò

Tháng 9 này đánh dấu một mốc lịch sử lớn của Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement), Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết (KLK) sẽ diễn ra tại Xécbia trong ngày 5 - 6/9/2011. Trải qua những biến đổi lớn của tình hình thế giới, Phong trào KLK vẫn là nơi tập hợp đông đảo các quốc gia đang phát triển với tinh thần đoàn kết và cùng phát triển.

Những thăng trầm cùng lịch sử

Nhìn lại quá trình hình thành, Phong trào KLK ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Mặc dù khác nhau về văn hóa, tín ngưỡng, chế độ chính trị- xã hội, lợi ích dân tộc..., nhưng các nước KLK có nhiều điểm chung: Đều bị thực dân đô hộ, kinh tế kém phát triển, cùng chung nguyện vọng muốn có hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, Đó là cơ sở khách quan để phong trào có thể trở thành một tập hợp lực lượng rộng rãi, đoàn kết gắn bó trong một cương lĩnh hành động tối thiểu.

Tiền thân của Phong trào là Hội nghị cấp cao Á – Phi ở Bandung (Inđônêxia) từ ngày 18 - 24/4/1955, với sự tham dự của lãnh đạo 29 nước trong khu vực nhằm tìm kiếm cơ sở chung để hợp tác trong tương lai, tuyên bố chống lại chủ nghĩa thực dân và cam kết đứng trung lập giữa hai khối Đông - Tây. Trước ngày khai mạc Hội nghị, Ấn Độ và Trung quốc ra thông cáo chung nêu lên 5 nguyên tắc, về sau được gọi là 5 nguyên tắc chung sống hòa bình: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hòa bình.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao Á - Phi ở Bandung năm 1955. Ảnh: Internet


Trong giai đoạn 1989 - 1992, Phong trào KLK đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu hoạt động khi thế giới không còn hai cực. Nhiều nước đang phát triển đứng trước nguy cơ bị can thiệp và áp đặt. Do vậy, các nước này muốn tham gia vào Phong trào KLK để phối hợp với nhau bảo vệ lợi ích quốc gia và phát triển. Trong bối cảnh đó, Phong trào KLK tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển.

Kể từ Hội nghị cấp cao 10 ở Giacácta (Inđônêxia) năm 1992, Phong trào KLK đã có những bước điều chỉnh nhất định nhằm thích ứng với tình hình mới. Các quốc gia thành viên đều nhất trí cho rằng: Phong trào có khả năng và cần tiếp tục phát huy tiếng nói và vai trò chính trị trong tình hình mới hiện nay, là chỗ dựa tinh thần, tập hợp đoàn kết rộng rãi của 114 nước đang phát triển vì lợi ích chung của các nước này và vì mục tiêu phấn đấu cho một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, lành mạnh. Việc liên tục có thêm thành viên mới (tăng từ 108 kể từ Hội nghị cấp cao 10 năm 1992 lên 118 tại Hội nghị cấp cao 14 năm 2006) đã thể hiện sức sống, sự hấp dẫn và khẳng định vai trò chính trị không thể thiếu của Phong trào KLK. Việc ngày càng có nhiều nước bên ngoài Phong trào mong muốn được làm quan sát viên đã chứng tỏ vị thế, tầm quan trọng của diễn đàn này trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách có tính khu vực hoặc toàn cầu.

Có thể nói, trong quá trình hoạt động của mình, Phong trào KLK đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại của thế giới. Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, giải trừ quân bị và thành lập khu vực hòa bình, phi hạt nhân. Đây là nguồn cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới và trật tự thông tin quốc tế mới. Đặc biệt, Phong trào KLK đã đóng góp đáng kể vào việc giải quyết tranh chấp và xung đột giữa các nước thành viên bằng biện pháp hòa bình.

Sự đóng góp tích cực của Việt Nam

Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào quá trình phát triển của Phong trào KLK thông qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và anh dũng chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Tham dự Hội nghị Bandung năm 1955, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành được độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của Phong trào KLK. Trong những năm 1960 - 1970, tuy chưa là thành viên chính thức của Phong trào, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước KLK và đang phát triển bằng việc đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống đế quốc. Từ khi tham gia Phong trào năm 1976, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các nỗ lực tăng cường đoàn kết của Phong trào, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của Phong trào vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển.

Đầu tháng 9 này, Đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh dẫn đầu, sẽ tham gia Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào KLK tại Xécbia. Thứ trưởng cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục tham gia một cách hiệu quả, thực chất vào công việc của Phong trào KLK; phối hợp cùng các nước KLK duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển của các dân tộc thông qua việc thúc đẩy đối thoại để ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp, xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy tăng cường đoàn kết để tăng cường sức mạnh của Phong trào, kiên trì các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Phong trào, tích cực đóng góp vào cuộc đấu tranh của Phong trào nhằm dân chủ hóa quan hệ quốc tế thông qua việc cải tổ LHQ và các thể chế đa phương, kể cả các thể chế tài chính, nhằm đảm bảo các thể chế này có thể ứng phó tốt hơn với khủng hoảng và phục vụ lợi ích của các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Đỗ Quyên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN