Phòng đọc biên giới

Xuất phát từ nhu cầu của đồng bào các xã biên giới vùng cao về một địa điểm đọc sách báo gần thôn bản, nhiều đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xây dựng mô hình phòng đọc biên giới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân.


 

Các em học sinh thôn Pa Ooi đọc sách ở phòng đọc biên giới xã La Êê.

 

Mặc dù mới đi vào hoạt động được mấy tháng nay nhưng phòng đọc biên giới ở thôn Pa Ooi, xã La Êê, huyện Nam Giang lúc nào cũng rất đông bà con người dân tộc Cơ Tu, Tà Riềng đến để đọc sách, báo, nắm bắt thông tin. Phòng đọc do Đồn biên phòng La Êê thành lập nằm ngay ở trung tâm thôn, bên cạnh ngôi nhà Gươl truyền thống nên người dân có thể dễ dàng tới để tìm những cuốn sách yêu thích. Phòng đọc do các chiến sĩ trẻ biên phòng hoặc cán bộ xã thay phiên nhau có mặt mở cửa phục vụ người dân từ sáng cho tới 9 giờ tối.


Là một bạn đọc thường xuyên của phòng đọc biên giới, anh Alăng Blong cho biết, “ở trụ sở xã cũng có sách báo nhưng bà con mình ngại vào đó mượn đọc. Từ khi có phòng đọc biên giới, từ người già cho đến học sinh đều rất thoải mái đến đọc sách báo để có những kiến thức mới và bây giờ trở thành thói quen của người dân bản mình rồi”. Phấn khởi chỉ vào những luống rau cải, xà lách, rau húng xanh mướt trong vườn nhà, anh Alăng Blong nói trước đây gia đình anh thường vào rừng để hái rau, nhờ đọc sách thấy có hướng dẫn cách trồng rau sạch nên anh đã quyết định cải tạo mảnh vườn tạp trước nhà để trồng rau xanh ăn hàng ngày.


Em Blăng Dêêl thường xuyên đến phòng đọc biên giới. Blăng Dêêl cho biết, em đã học xong lớp 12 ở Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, gia đình em nghèo nên không có tiền để đi ôn thi đại học. Nhờ có phòng đọc biên giới ngay trong thôn nên em có thể tìm được nhiều cuốn sách tham khảo hay giúp bổ sung thêm kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thì đại học sắp tới.


Hiện nay, phòng đọc biên giới ở thôn Pa Ooi có trên 500 đầu sách, chủ yếu là sách báo cấp phát hàng năm cho các chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê tập hợp lại; nguồn sách do thư viện tỉnh luân chuyển về các đồn biên phòng và từ các đoàn tình nguyện mang lên tặng. Đại úy Đặng Đình Xuân, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã La Êê cho biết, để phòng đọc biên giới ngày càng hấp dẫn bà con, trong thời gian tới, đồn biên phòng sẽ phối hợp với xã huy động thêm các nguồn cung cấp sách báo và sẽ trang bị máy tính truy cập Internet khi xã hòa điện lưới quốc gia trong vài tháng tới.


Duy trì nề nếp hoạt động được gần 6 năm nay, phòng đọc biên giới của Đồn Biên phòng Đắc Pring (thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) hiện có hơn 1.000 đầu sách, báo và tạp chí các loại, thường xuyên phục vụ nhu cầu học tập của hàng trăm người dân 2 xã Đắc Pring và Đắc Pree. Một cách làm hay để khuyến khích bà con nhân dân tham gia đọc sách là Đồn Biên phòng Đắc Pring thường xuyên liên hệ với Phòng nông nghiệp của huyện Nam Giang xin hỗ trợ hạt giống, các loại cây trồng công nghiệp và sách hướng dẫn. Cây con và hạt giống thì phân phát cho người dân, còn sách hướng dẫn thì đặt ở phòng đọc để bà con nhân dân đến tìm hiểu trao đổi về kỹ thuật chăm sóc. Cách làm này giúp bà con dân tộc áp dụng được những kiến thức đọc được qua sách để phục vụ trực tiếp cuộc sống của mình.

Với những hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình phòng đọc biên giới cần được tiếp tục nhân rộng để vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, vừa làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân với dân nơi vùng biên cương của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN