Phòng chống dịch bệnh mùa tựu trường

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, trao đổi với Tin Tức về mức độ lây lan của nhiều dịch bệnh, nhất là sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng trong mùa tựu trường.

Ông có thể cho biết diễn biến của dịch bệnh tay chân miệng ở cả hai miền Nam, Bắc?

Tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 32.588 ca mắc bệnh tay chân miệng tại 52 tỉnh thành phố, trong đó đã có 81 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Số ca mắc bệnh gia tăng liên tục từ tháng 5/2011, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc. Các ca mắc và tử vong do tay chân miệng từ đầu năm đến nay vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 79,3% số mắc và 91,1% số tử vong của cả nước). Các trường hợp mắc bệnh và tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, là lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, trong 1 - 2 tuần trở lại đây, số ca mắc và tử vong có xu hướng giảm ở nhiều tỉnh thành phố có báo cáo dịch trong thời gian qua.

Cán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho học sinh trường mầm non xã Phước Lập, huyện Tân Phước (Tiền Giang), nơi vừa phát hiện ổ dịch Rubella. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Thưa ông, trong mùa tựu trường, dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng ra miền Bắc không? Tại sao?


Đến ngày 12/8/2011, đã có 2.386 ca mắc ghi nhận ở 25/28 tỉnh/thành phố miền Bắc, trong đó có hai ca tử vong. Tỉnh có số mắc và tử vong cao nhất là Thanh Hóa. Tuy nhiên đa số ca bệnh đều ở thể nhẹ, và tản phát ở qui mô nhỏ. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây truyền bệnh tay chân miệng là vệ sinh cá nhân, chất lượng nước, mật độ dân cư. Do đó việc tựu trường trong thời gian tới có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc và phơi nhiễm với virút gây bệnh tay chân miệng và có thể làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh.

Theo ông, diễn biến dịch bệnh như thế nào thì các trường học nên cho học sinh nghỉ học? Biện pháp phòng, chống dịch tại trường học lúc đó nên thực hiện ra sao?

Khi phát hiện có ổ dịch xảy ra ở nhà trẻ, mẫu giáo, cần phải thực hiện các biện pháp sau:

Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.

Thầy, cô giáo, hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, các biểu hiện sốt, xuất hiện loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình, cơ quan y tế xử lý kịp thời.

Bảo đảm tất cả trẻ em, người lớn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, người lớn rửa tay trước khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống sôi.

Thường xuyên làm sạch bàn ghế, vật dụng, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ, nền nhà, nhà vệ sinh bằng nước xà phòng, hay bằng chloramin B nồng độ 0,5% clo hoạt tính, hay các chất sát khuẩn thông thường khác.

Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc: Phải được ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng. Thường xuyên làm thông gió lớp học.

Theo thông báo của Tổng cục thống kê, từ đầu năm tới nay có 500 trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Vậy nguy cơ trẻ bị mắc bệnh này trong mùa tựu trường có cao không, cần phòng tránh như thế nào, thưa ông?

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, phần lớn những ca mắc cúm A/H1N1 đại dịch đều ở thể nhẹ, không biến chứng, bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Kết quả giám sát trọng điểm cúm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy trong 2 tuần trở lại đây, tỷ lệ dương tính với cúm A/H1N1 đại dịch so với tổng số mẫu dương tính với cúm thông thường là tương đối thấp (khoảng 5%). Tuy nhiên, nơi tập trung nơi đông người (ví dụ như trường học) là một trong các nguy cơ làm lây truyền bệnh cúm.

Để phòng bệnh cúm, cần áp dụng các biện pháp sau: Mọi người cần đeo khẩu trang, che miệng khi ho hay hắt hơi; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Bên cạnh đó, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm, khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên một mét. Tăng cường thông khí trong lớp học bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Đặc biệt, nếu thấy có biểu hiện của hội chứng giống cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Cách tốt nhất là tiêm phòng vắcxin cúm để dự phòng chủ động bệnh cúm tại các cơ sở y tế tiêm vắcxin dịch vụ.

Mùa tựu trường, cũng đồng thời là mùa mưa và là thời điểm của dịch sốt xuất huyết. Năm nay, liệu dịch bệnh này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Ở Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường xảy ra trong các tháng mùa mưa từ tháng 7- 10. Do đó thời điểm tựu trường trùng với thời điểm còn xảy ra dịch. Dịch sốt xuất huyết hiện vẫn đang xảy ra chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, trong khi ở các tỉnh phía Bắc chỉ xảy ra một số vụ dịch nhỏ, tản phát, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010. Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất là triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi.

Trên thế giới hiện chưa có vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết. Hy vọng đến năm 2015, loại vắc xin phòng bệnh này sẽ được đưa vào sử dụng. Hiện Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết dengue.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN