Phía sau “cuộc đua” lãi suất

“Cuộc đua” lãi suất ngân hàng lại tiếp tục nóng khi vài ngày gần đây nhiều ngân hàng nhỏ tiếp tục tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn lên kịch trần. Trước đó, lãi suất ở kỳ hạn dài đã được nhiều ngân hàng đẩy lên tới 8%/năm. Vậy đâu là động cơ phía sau “cuộc đua” này?

Tăng lãi suất đón đầu?

Sau khi đẩy lãi suất huy động dài hạn lên tới 8%/năm, gần đây, một số ngân hàng đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trên biểu lãi suất của Ngân hàng Quốc dân (NCB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến đã được đẩy lên kịch trần 5,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng niêm yết lãi suất huy động kịch trần 5,5%/năm tại kỳ hạn 5 tháng; các kỳ hạn từ 1 - 4 tháng dao động từ 4,9 - 5,2%/năm.

Bảng lãi suất cập nhật của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho thấy, bên cạnh việc chạy đua lãi suất kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng lên tới 8%/năm, thì ngân hàng này đã điều chỉnh bảng lãi suất huy động kỳ hạn 3 - 5 tháng lên kịch trần 5,5%, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng mức lãi suất lần lượt 5,3 - 5,4%.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn dường như vẫn đứng ngoài cuộc đua này. Tại Vietcombank hay Vietinbank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn ở mức thấp hơn 5,2%. Điều đáng nói, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần đang bỏ khá xa lãi suất của các ngân hàng có vốn nhà nước ở các kỳ hạn dài. Với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank trả lãi 6,2%/năm trong khi nếu gửi tại các ngân hàng khác như OCB hay Eximbank, khách hàng được nhận lãi suất tới 8%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, động lực chính của cuộc đua này bắt nguồn từ những đồn đoán liên quan đến sửa đổi Thông tư 36 với dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%. Nhiều ngân hàng đã đón đầu để chuẩn bị cho tình huống này.

Giảm lãi suất dài hạn có nhiều nút thắt

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính), khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng cho rằng, kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Điều đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Phân tích về yếu tố này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ cho rằng điều này không rõ ràng lắm bởi lạm phát hiện chỉ ở mức hơn 1%. Lạm phát trong năm nay chủ yếu sẽ do mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế quyết định. Nhưng đây chỉ là những cú sốc về giá mang tính nhất thời. Yếu tố mang tính quyết định đến lạm phát trong trung, dài hạn là sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng các số liệu được công bố gần đây cho thấy, đà phục hồi của nền kinh tế hiện đang chững lại. Tốc độ tăng của ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm chỉ đạt 6,6%, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 12%. Chỉ số PMI tháng 2/2016 cũng chỉ ở mức 50,3 điểm.

“Nền kinh tế cũng đang quay trở lại xuất siêu và đây là tín hiệu cho thấy đầu tư, trong đó có đầu tư vào bất động sản, cũng đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân có thể do nguồn cung bất động sản, đã tăng nhanh trong thời gian qua và tín dụng bất động sản, có khả năng sẽ bị siết lại trong tương lai. Với tổng cầu như vậy, tăng trưởng GDP trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2015 và lạm phát cao sẽ chưa thể xảy ra”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã nhấn mạnh, định hướng chung của năm 2016 là sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015, nếu được có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống nữa từ 0,3 - 0,5%.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải vận dụng nhiều biện pháp để ổn định lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đặc biệt là đối với kỳ hạn dài, đang gặp một số nút thắt.

Ông Nguyễn Đức Độ dẫn chứng, lãi suất dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng huy động của các ngân hàng và cái này liên quan rất nhiều đến tình trạng đô la hóa. Nếu như giải quyết được vấn đề đô la hóa, tỷ giá ổn định và người dân sẵn sàng gửi tiền dài hạn thì mới hạ được lãi suất dài hạn. Với việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng cách điều hành tỷ giá mới, động cơ găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng yếu đi. Đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay, mặc dù cần có thêm thời gian.

Trong định hướng điều hành năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế, đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Đỗ Huyền
Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm
Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm

Kể từ ngày 18/3, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm trước đây. Cùng với đó, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm và lãi suất huy động ngoại tệ USD giảm xuống mức 1%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN