Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vùng biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa được khai thác nhiều do kết cấu hạ tầng kinh tế biển của vùng này hiện còn rất yếu.
Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng
Hầu hết hạ tầng cơ sở cho vùng nuôi thủy sản của các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, mặc dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất ĐBSCL nhưng cơ sở hạ tầng để phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện tại chưa đáp ứng được cho diện tích trên 296.000 ha. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi hiện tại mỗi năm ngân sách của tỉnh chỉ đầu tư được khoảng 200 tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong khi nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm; nhu cầu vật tư thủy sản: thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học…, rất lớn nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư. Chất lượng con giống nuôi trồng thủy sản cũng còn rất bấp bênh, hiện tại tỉnh có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng nằm rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra chất lượng con giống không cao, chỉ đủ cung cấp 50% nhu cầu.
Giá bán cá tra nguyên liệu bị lỗ, nhưng người dân huyện Thanh Bình (ĐồngTháp) vẫn phải thu hoạch để lấy vốn tái đầu tư. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ, thời tiết thay đổi, triều cường nước dâng, các tỉnh ven biển Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang còn đối mặt với tình trạng nghêu chết hàng loạt, chất lượng con giống giảm khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thủy sản là ngành chịu nhiều rủi ro nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, môi trường tự nhiên trên biển lại rất khó kiểm soát.
Đầu tư cho khai thác còn yếu
Các địa phương ven biển đều có định hướng đầu tư cảng, trang thiết bị hiện đại để khai thác nguồn tài nguyên vô giá từ biển. Song, nhiều năm qua, phát triển kinh tế ĐBSCL chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở đất liền, kinh tế biển chưa được khai thác đúng mức. ĐBSCL mới phát triển một phần trong kinh tế biển là nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, nhưng phương tiện đánh bắt còn thô sơ, tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ còn nhiều hạn chế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tài nguyên biển Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi rất đặc thù với chiều dài bờ biển 254 km, 2 ngư trường biển Đông và biển Tây, hàng trăm cửa sông đổ ra biển, hơn 20 xã ven biển, nguồn lợi thủy sản phong phú, người dân sống bằng nghề biển có truyền thống và kinh nghiệm rất lâu đời. Tuy nhiên, thời gian qua phát triển rất hạn chế do nguồn nhân lực và vật lực chưa đáp ứng đủ, hệ thống bến cá, cảng cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, đội tàu cá, dịch vụ hậu cần còn dàn trải, chưa phát huy tốt. Thống kê kinh phí đầu tư cho các cảng cá, bến cá từ trước đến giờ chưa đến 200 tỷ đồng. Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, hiện toàn tỉnh có 4.600 tàu cá nhưng chỉ có 985 tàu khai thác xa bờ, trang thiết bị cũng hạn chế.
Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là cảng gần với ngư trường khai thác nhất (cách cửa biển 12 km), hàng năm có khoảng 3.500 tàu cá ra vào mua bán cá và hơn 16.000 phương tiện vận tải tiếp nhận xăng dầu, nước đá, lương thực. Đây còn là bến đậu an toàn cho các tàu cá từ khu vực miền Trung trở vào tránh trú bão. Đặc biệt là nơi gần nhất giữa đất liền và quần đảo Trường Sa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cảng cá và giúp cho việc vận chuyển cá của tàu được nhanh chóng, làm giảm chi phí hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là luồng lạch từ cảng ra biển thường xuyên bị ách tắc.
Ông Trần Văn Chiểu, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, ĐBSCL có nguồn tài nguyên biển phong phú nhưng không phải vô tận, các ngành chuyên môn cần phối hợp để hướng dẫn, tạo việc làm mới cho những người hành nghề khai thác mang tính hủy diệt, gây ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản chung. Mặt khác, từ trước đến giờ công tác chỉ đạo nặng về khâu nuôi trồng mà ít đầu tư cho khai thác, chưa bảo vệ tốt nguồn lợi. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy chế biến tôm, chưa chú trọng đến việc xây dựng nhà máy tinh chế các sản phẩm khai thác từ biển, sản phẩm khai thác được phục vụ nội địa là chủ yếu.
Việt Âu
Bài cuối: Cần chiến lược chung cho toàn vùng