Tập huấn nhằm nâng cao năng lực, giúp người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh trên nắm bắt những thông tin quan trọng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc cũng như các chế độ, chính sách đối với người có uy tín…Qua đó để người có uy tín trong đồng bào phát huy vai trò và trách nhiệm, tích cực tham gia cùng cấp ủy các cấp, chính quyền, mặt trận, đoàn thể…thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách đến với đồng bào, tạo cầu nối và lòng tin vững chắc hợp ý Đảng - lòng dân.
Các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được nghe lãnh đạo Vụ Dân tộc thiểu số thông tin những nét cơ bản về đời sống, kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trong cả nước; đồng thời thông tin một số quy định chung liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc như: Quy định về hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều ở từng khu vực; quy định về thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn; các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; các tiểu dự án thuộc chương trình 135, giai đoạn 2016 – 2020 và một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025…
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cho biết, việc tổ chức tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội, là điều kiện để người có uy tín trong đồng bào nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách mới có liên quan; đồng thời cùng chia sẻ kinh nghiệm để truyền đạt lại cho đồng bào hiểu, chấp hành và cùng thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Theo Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa đã phát huy tốt vai trò của mình và thực hiện có hiệu quả trên các mặt công tác; đồng thời có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tích cực vận động đồng bào chung tay xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào.
Hiện nay cả nước có 53 dân tộc thiểu số, sinh sống tại 51 tỉnh, thành phố. Dân số các dân tộc thiểu số hiện có 13.386.330 người, chiếm khoảng 14,6% dân số cả nước (91.713.345 người). Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng dân tộc thiểu số chiếm 23,1%; hộ cận nghèo là 13,6%.
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước từng bước được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2018, hơn 48.300 thôn, bản trong toàn vùng dân tộc thiểu số đã có điện lưới quốc gia thắp sáng và được cứng hóa nhựa, bê tông đường giao thông nông thôn; tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số sử dung nguồn nước hợp vệ sinh chiếm trên 73%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi biết đọc, biết viết chữ phổ thông chiếm gần 80%; hơn 67,8% số trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào.