Chiều 3/6, Cảnh sát kinh tế và Đội quản lý thị trường thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phối hợp điều tra; phát hiện hành vi tái chế xác bã trà thải thành sản phẩm trà khô nguyên chất, cung cấp cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ.
Bãi tái chế xác bã trà này nằm tại khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, do ông Lư Quang Hoàng (SN 1974, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) quản lý. Vào thời điểm kiểm tra, bãi tái chế đã ngừng hoạt động do trời mưa lớn trước đó; xác bã trà tận thu từ các công ty chế biến nước trà xanh giải khát trên địa bàn tỉnh Bình Dương sau khi thu gom về chưa kịp phơi, đổ thành đống to, bốc mùi hôi nồng nặc.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một kho chứa xác trà đã qua chế biến thành phẩm, được chứa trong nhiều bao với khối lượng lên đến hàng tấn. Ngoài xác bã trà thải, còn có cả xác cà phê, bông hoa lài… Những nguyên liệu này đã được tái chế để pha trộn thành trà hương lài, cung cấp cho các cơ sở mai táng để khâm liệm người chết. Qua làm việc, ông Hoàng đã cung cấp cho cơ quan chức năng danh sách hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ ở khắp các tỉnh, thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tây Ninh và Đồng Nai… chuyên thu mua trà tái chế để khâm liệm người chết.
Ông Lư Quang Hoàng, người quản lý bãi tái chế trà thải không xuất trình được giấy phép kinh doanh hợp pháp tại Bình Dương. Ông Hoàng khai nhận chỉ là người được giao nhiệm vụ điều hành sản xuất tại đây, còn chủ thật sự của cơ sở này là một người khác. Qua kiểm tra Hợp đồng thuê khu đất rộng 4.000 m2 của UBND phường Bình Hòa, hiện đang dùng để phơi xác bã trà và làm cơ sở tái chế trà, cơ quan chức năng phát hiện các ông: Lư Quang Trung (sinh năm 1974) và ông Trần Văn Phước (sinh năm 1957) cùng ngụ quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cùng đứng tên với giá 35 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, cán bộ phụ trách kinh tế-thương mại ở phường Bình Hòa cho biết: Thực tế cho thấy, các loại bã trà thải qua tái chế thành phẩm cũng có mùi thơm như trà bình thường. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, sẽ khó phân biệt trà thải qua tái chế và trà nguyên chất.
Theo một số người dân làm việc tại khu vực bãi trà thải, xác bã trà được thu mua từ hai công ty nước giải khát chuyên sản xuất trà xanh có tiếng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với giá chỉ từ 200 - 300 đồng/kg. Sau khi phơi, sấy, chế biến thành trà nguyên chất, được bán ra thị trường với giá 6.000 - 10.000 đồng/kg cho các cơ sở mai táng.
Dương Chí Tưởng