Phần mềm gián điệp, mã độc vẫn tung hoành

Theo nhận định của Công ty An ninh mạng Bkav, trong năm 2014, các trang web, dịch vụ trực tuyến vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi phần mềm gián điệp và mã độc.


Đại diện Bkav cho hay: Phát tán virút đã thực sự trở thành một ngành "công nghiệp" trong hoạt động gián điệp năm 2013. Tại Việt Nam, phần mềm gián điệp là mối nguy với cả các trang web của các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hay các ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) để phát tán.


Kết nối điện thoại và máy tính giờ đây cũng được Bkav nhận định không còn an toàn. DroidCleaner và SuperClean là các dòng virút đầu tiên đã có thể thực hiện hành vi lây chéo giữa máy tính và smartphone (dòng điện thoại thông minh). Năm 2014, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thị trường smartphone đang tăng lên nhanh chóng. Hơn 1 tỷ smartphone được bán ra trên thế giới trong năm 2013 và con số này sẽ là 1,7 tỷ vào năm 2017 (theo IDC). Riêng tại Việt Nam, năm 2013 đã có 17 triệu người sử dụng smartphone và xấp xỉ 7 triệu máy tính đang được sử dụng.


Không chỉ vậy, các chuyên gia Bkav còn khuyến cáo: Hình thức giả mạo các phần mềm, ứng dụng phổ biến đã trở thành vấn nạn và sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2014. Thực tế, trong năm qua phần mềm giả mạo nhắm tới smartphone không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn mở rộng đối tượng giả mạo để qua mắt các phần mềm diệt virút và đánh lừa người sử dụng.


M.P

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN