Việc một số nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ gây ngập lụt cho các vùng hạ lưu và tiến trình ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là hai vấn đề nóng mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã lần lượt đàm phán một số hiệp định thương mại tự do khác và việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), (có 12 nước tham gia, chiếm 40% tổng GDP và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn cầu) sẽ là một bước tiếp tục thực hiện tiến trình hội nhập. “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là hiệp định được kỳ vọng và có chất lượng cao, nhiều nội dung cam kết cao hơn mức WTO, nhưng nếu chúng ta đàm phán, ký kết được sẽ góp phần tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, việc ký kết Hiệp định cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là nông nghiệp, bởi nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ở nước ta có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp và việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nên giá thành sản xuất cao, thậm chí cao hơn so với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Trước thực trạng này, khi đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam đã yêu cầu Hiệp định phải được cân bằng về lợi ích, tính đến cả sự chênh lệch về trình độ phát triển, tức là có lộ trình thích hợp như giảm thuế, miễn giảm thuế. “Với việc làm tốt công tác tham vấn, tuyên truyền, giải thích rõ để doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được những lợi thế ưu đãi khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và lường trước được những khó khăn để có biện pháp khắc phục, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia hiệp định này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Rà soát hồ chứa thủy điện
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề thủy điện. Đánh giá về thủy điện, có ý kiến cho rằng thủy điện đóng góp tích cực cho đời sống kinh tế xã hội, ngược lại, có không ít ý kiến cho rằng thủy điện gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đã phân tích rõ thực trạng của thủy điện và Quốc hội đã thảo luận kỹ về những nội dung này. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62, ngày 27/11/2013, ghi nhận những đóng góp tích cực của thủy điện trong việc thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nêu những bất cập, hạn chế, tiêu cực trong quá trình phát triển thủy điện như việc đảm bảo an toàn hồ đập chưa tuân thủ theo quy định; đền bù di dân tái định cư có không ít công trình làm chưa tốt; vấn đề trồng bù diện tích rừng đã mất cũng không được thực hiện; có trường hợp vận hành hồ chứa chưa đúng quy trình, đã gây bức xúc trong dư luận.
“Chúng ta phải tìm, thực hiện những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục cơ bản những hạn chế trong quá trình phát triển thủy điện. Nếu làm được như vậy, cần tiếp tục khai thác lợi thế của thủy điện, bởi nó là nguồn năng lượng rẻ, có khả năng tái tạo. Nếu những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, đảm bảo mục tiêu tổng hợp về kinh tế xã hội, hiệu quả tổng hợp về phát triển điện và vấn đề xã hội cũng như an toàn cho người dân và công trình, thì nên làm. Ngược lại, cần dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình không đạt được hiệu quả về kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không đảm bảo an toàn cho người dân và không thực thi đúng quy định trong quá trình sử dụng”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về thủy điện, có kế hoạch hành động chi tiết với nội dung chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế, chính sách, thắt chặt quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện tập trung vào một đầu mối; xem xét lại quy chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện; quan tâm hơn nữa đến di dân tái định cư; rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa; kiên quyết yêu cầu trồng bù diện tích rừng đã bị thu hồi và xử lý nghiêm những sai phạm. Trên tinh thần này, Chính phủ cũng phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan tổng hợp chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện phát triển thủy điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc trồng bù diện tích rừng bị thu hồi, đồng thời xây dựng trình Chính phủ cơ chế đặc thù về đền bù tái định cư các công trình thủy điện kể cả các công trình đã sử dụng xong, đang sử dụng và chưa hoàn thành. Đồng thời, bộ này cũng có nhiệm vụ rà soát lại những hồ chứa thủy lợi để đảm bảo an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm xây dựng và trình quy trình vận hành liên hồ chứa chưa trình và chưa được phê duyệt, kể cả quy trình vận hành về mùa mưa và mùa khô. Những liên hồ chứa đã có quy trình vận hành, nhưng chưa phù hợp thực tế phải rà soát, bổ sung, sửa đổi. Bên cạnh đó, bộ này cũng cần tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc thủy văn, lưu lượng dòng chảy, để đảm bảo chính xác hơn trong dự báo cho các dự án thủy lợi và thủy điện.
UBND các tỉnh có thủy điện chịu trách nhiệm về những dự án thủy điện đã được phân cấp trong việc kiểm tra giám sát, xử lý những sai phạm; phối hợp với các bộ, ngành phát hiện những bất cập để phối hợp hoặc tự sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
“Phấn đấu trong năm 2014 ban hành được các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Những hệ thống liên hồ chứa khi có quy trình vận hành về mùa mưa, nhưng có bất cập cũng phải chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế vận hành liên hồ chứa về mùa khô đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, đã xây dựng được 5/11 quy trình liên hồ chứa mùa mưa đã được Chính phủ phê duyệt”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng |
Trọng Thủy