Phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông

Năm 2013 sắp trôi qua, mặc dù đã được kiềm chế, nhưng tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi đi ra đường. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.


Cả 3 tiêu chí vẫn ở mức cao


Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, năm 2013 cả nước tiếp tục thực hiện kiềm chế tai nạn giao thông bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2013, đã xảy ra trên 29.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, làm bị thương trên 29.000 người. So với năm 2012, số vụ giảm trên 50%, số người chết giảm 0,6% và số người bị thương giảm 9,4%. Đây là kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên số vụ, số người chết và bị thương còn ở mức cao. Theo Bộ trưởng, địa phương nào tổ chức tốt về an toàn giao thông, tuyên truyền, vận động tốt người dân thì ở đó thực hiện an toàn giao thông hiệu quả. Đơn cử như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nhất cả nước, nhưng năm 2013, các tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm, do việc tổ chức an toàn giao thông của hai thành phố này rất tốt.


Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, một nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm an toàn giao thông chưa tốt, là do chưa áp dụng được khoa học công nghệ vào việc phát hiện và xử lý vi phạm. Nguyên nhân khác hết sức quan trọng, đó là ý thức của người tham gia giao thông. Có đến 70% vụ vi phạm là do người tham gia giao thông cố tình phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông. Không những thế, đối tượng vi phạm còn có biểu hiện thách thức, chống đối người thực thi công vụ. “Để khắc phục tình trạng này chúng ta cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm. Xử lý công bằng, công khai, minh bạch, không dung túng, bao che, nương nhẹ… đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông. Muốn được như vậy, công tác tuyên truyền phải thực sự đi vào từng gia đình, từng dòng họ, từng ngõ phố, từ đó xây dựng một xã hội văn hóa giao thông an toàn”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.


Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, vi phạm an toàn giao thông trước hết trách nhiệm thuộc về người tham gia giao thông. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là trong quản lý hoạt động vận tải. Về trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải và các sở giao thông vận tải các địa phương, mà đứng đầu là Bộ trưởng và giám đốc các sở. Các vụ tai nạn giao thông đều được xác định rõ nguyên nhân và có những xử lý nghiêm. Trong nhiều năm qua, cũng như năm 2013, đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, lao động bị xử lý nghiêm do vi phạm ở các đơn vị của ngành giao thông vận tải như: Đăng kiểm, đào tạo lái xe, ban quản lý dự án, thiết kế, thi công…


Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, hàng năm, đặc biệt là năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã cử các đoàn do các thứ trưởng dẫn đầu đi kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải ở các địa phương. Thông qua các cuộc kiểm tra đã phát hiện ra những tồn tại, bất cập để có những chấn chỉnh, cũng như tham mưu cho Chính phủ ra các chỉ thị, văn bản khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Bộ còn cử cán bộ thanh tra, kiểm tra tại các chốt, cũng như lưu động, trực tiếp đi trên các tuyến xe buýt, tuy nhiên vẫn chưa được nhiều. Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược về vận tải hành khách bằng xe buýt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe buýt.

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN