Ông Yanukovych tuyên bố vẫn là Tổng thống Ukraine

Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych ngày 27/2 tuyên bố ông vẫn là nguyên thủ hợp pháp của Ukraine và đề nghị Nga đảm bảo an ninh cá nhân cho ông. Trong khi đó, tình hình ở khu tự trị Crimea của Ukraine ngày càng xuất hiện những yếu tố bất ổn.


Đấu tranh đến cùng


Ông Yanukovych đã gửi tuyên bố trên tới ba hãng tin lớn của Nga, lần lên tiếng đầu tiên của ông kể từ ngày 22/2. Trong tuyên bố, ông muốn chính quyền Nga bảo vệ khỏi sự đe dọa của những kẻ cực đoan vốn được phe đối lập tiếp tay đang lộng hành ở Ukraine. Ông cũng khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để thực hiện các thỏa thuận đã ký với phe đối lập trước đó. Đáp lại, các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn tin từ giới chức nước này cho biết Nga đã đồng ý đảm bảo an ninh cá nhân cho ông Yanukovych.

Xung đột giữa hai phe thân Nga và thân EU bên ngoài tòa nhà quốc hội Crimea ngày 26/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Về những quyết định gần đây nhất của quốc hội Ukraine, Tổng thống Yanukovych nói rằng chúng không có giá trị pháp lý và kêu gọi đưa mọi hoạt động trở lại đúng hiến pháp. Theo ông, người dân ở khu vực đông nam và nam Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận khoảng trống quyền lực và tình trạng hỗn loạn hiện nay khi mà các thủ lĩnh đều do “những tên du côn” chỉ định.


Không ai biết rõ ông Yanukovych đang ở đâu. Tuy nhiên, hãng tin AFP nhận định việc Nga chấp nhận yêu cầu đảm bảo an toàn cho ông Yanukovych cho thấy có khả năng ông đang ở trên đất Nga.


Nóng quanh bán đảo Crimea


Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin sáng 27/2, hàng chục tay súng mang theo vũ khí hạng nặng đã chiếm quyền kiểm soát tòa nhà chính quyền ở Crimea, Ukraine. Các tay súng chưa đưa ra yêu cầu gì và danh tính của họ vẫn chưa được xác định. Khi tấn công tòa nhà, họ đeo ruy băng màu đen và cam - một biểu tượng chiến thắng của Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng thời cắm một tấm biển ghi “Crimea là Nga”. Trước đó, văn phòng nội các Crimea cũng bị chiếm giữ. Hãng tin Itar-tass cho rằng các tay súng này là đại diện của các nhóm tự vệ thuộc cộng đồng nói tiếng Nga ở Crimea.


Bán đảo tự trị Crimea nằm ở miền nam Ukraine. Hơn 60% dân cư ở đây là các dân tộc Nga và đặc khu hành chính Sevastopol là nơi đặt đại bản doanh Hạm đội Biển Đen của Nga. Do vậy, Crimea là một trong những khu vực thân Nga nhất ở Ukraine. Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Ukraine đã được tổ chức rầm rộ ở một số thành phố thuộc Crimea - nơi mà người ta vẫy cờ Nga thay vì cờ Ukraine.


Trước những diễn biến căng thẳng tại Crimea, Nga đã cảnh báo về những hành động vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử mà chính quyền mới tại Ukraine thực hiện đối với cộng đồng nói tiếng Nga, đồng thời khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ quyền lợi của kiều dân Nga" tại đây.


Sự việc ở Crimea diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội thực hiện các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu gần biên giới với Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến đấu bố trí tại khu vực biên giới đang liên tục tuần tra kể từ khi có lệnh báo động cao và lực lượng không quân ở quân khu miền tây đã lên đường tới các căn cứ.


Diễn biến ở Crimea khiến phương Tây lo ngại. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi Nga không thực hiện những bước đi mà có thể làm căng thẳng gia tăng hoặc gây hiểu nhầm sẽ can thiệp quân sự. Về phần mình, lãnh đạo lâm thời Ukraine Alexander Turchinov cũng cảnh báo Hải quân Nga không đưa ra bất kỳ động thái quân sự nào.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN