Vượt gần 4 km đường dốc từ thành phố Lai Châu, chúng tôi có mặt tại xã đặc biệt khó khăn Nùng Nàng, huyện Tam Đường, còn nếu từ trung tâm huyện đi đến xã phải hết hơn 30 km. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát toàn thành phố Lai Châu, nhưng từ bao lâu nay, việc xuống phố của đồng bào lại rất khó khăn, bởi tuyến tỉnh lộ Nùng Nàng - Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) dài 24,5 km chưa hoàn thành. Dẫu vậy, với ý chí tự lực cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào trong xã đã từng bước vươn lên thoát nghèo.Theo giới thiệu của ông Ma Cang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng chúng tôi tìm đến bản Chin Chu Chải nằm cách trung tâm xã khoảng 3 km. Con đường bê tông xuống bản không rộng, nhưng cũng đủ để bà con chở nông sản bằng xe máy ra trung tâm xã bán và tiện đi lại từ bản này sang bản khác. Hai bên đường vào bản, đồng bào đang tập trung gieo cấy lúa vụ mùa, còn những nương ngô thì đã sắp cho thu hoạch. Một sự no đủ đã hiện hữu ở đây.
Cơ giới hóa nông nghiệp ở xã Nùng Nàng. |
Cũng chính đang là mùa cấy lúa, bà con rất bận việc đồng áng, nên chúng tôi phải gọi điện hẹn trước mới gặp được trưởng bản Chang A Kỷ. Đây là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của bản. “Từ khi lập gia đình đến nay chưa năm nào gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo. Tôi tự học hỏi kiến thức làm kinh tế và tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm của huyện. Có kiến thức, tôi đã mạnh dạn ứng dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất. Nhờ đó, với gần 6 ha thảo quả, ruộng lúa nước và ngô đã mang về cho gia đình tôi ngót 100 triệu đồng/năm”, anh Kỷ tự hào kể.
Bản Chin Chu Chải có 100% là đồng bào dân tộc Mông. Vài năm về trước, đa số hộ trong bản đều thuộc diện nghèo. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi… chưa được đầu tư nhiều; phong tục tập quán vùng cao còn nặng nề, lạc hậu, nên đã gây nhiều khó khăn và vất vả trong cuộc sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế. Nhưng nay, do đồng bào biết khai hoang ruộng lúa nước, nương ngô và trồng thảo quả, nên tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm, chỉ còn 15/41 hộ.
Cây ngô được đồng bào bản Chin Chu Chải trồng ở cả vườn nhà. |
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh bản trên những con đường bê tông được Nhà nước và nhân dân cùng làm, trưởng bản Trang A Kỷ chỉ tay về phía những vạt rừng xanh giới thiệu: “Đó là nơi dân bản trồng thảo quả đấy, với mấy chục ha thảo quả, năng suất 0,4 tấn/ha, giá quả khô khoảng 120.000 đồng/kg, mỗi năm bản cũng thu hàng tỷ đồng. Còn kia là những thửa ruộng bậc thang được người dân khai hoang qua các năm, với năng suất 51 tạ/ha và những đồi ngô xanh mướt này cũng đủ cung cấp lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm”.
“Với 8 bản, 100% là đồng bào Mông, việc phát triển kinh tế - xã hội ở Nùng Nàng còn là một thách thức lớn. Đảng ủy và Chính quyền xã Nùng Nàng tiếp tục lồng ghép các chương trình, chính sách để xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng các công trình thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp; chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng hướng tới tạo ra sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là cây thảo quả và cây ngô… Và khi hơn 3 km tỉnh lộ từ trung tâm xã xuống thành phố được hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn để thông thương các sản phẩm nông sản, giúp Nùng Nàng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và có nhiều hộ vươn lên làm giàu”, ông Ma Cang Dinh hy vọng.