Thị hiếu khách hàng về thịt lợn rừng đang ngày một tăng trong khi khả năng cung cấp từ tự nhiên hầu như không còn, nên nghề nuôi lợn rừng đã mang lại nguồn thu lớn và ổn định. Anh Lường Văn Thanh, ở xã Huy Tân, huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Năm 2013, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển nghề nuôi lợn rừng do Hội Nông dân huyện Phù Yên triển khai, được tập huấn, tư vấn kinh nghiệm và đi tham quan một số mô hình chăn nuôi lợn rừng, anh đã quy hoạch lại chuồng trại, tường rào, bãi thả và tuyển lợn nái, lợn đực giống. Gần 50 con lợn nái trong bản mua về đều khỏe mạnh và sinh đẻ rất đều. Lợn con lớn nhanh và chỉ sau 2 - 3 tháng là khách hàng tranh nhau tới bắt hết; giá cả gấp đôi so với giá lợn thường.
Việc làm chuồng cho lợn rừng cũng đơn giản, chỉ cần căng dây thép P40 xung quanh, diện tích tùy thuộc nuôi nhiều hay ít; hay việc ngăn chuồng cho lợn nái lúc đẻ, chi phí không lớn, có thể tận dụng các loại tre gỗ, ngói xi măng để làm lán cho chúng ở. Khi đẻ chỉ cần lót ổ bằng các cây cỏ mềm như rơm rạ, trấu; lợn mẹ nuôi dưỡng và chăm sóc con rất khéo, nên người chăn nuôi chủ yếu là chuẩn bị đủ nguồn thức ăn cho chúng. Lợn rừng là loài ăn tạp và ham ăn, nên cũng dễ nuôi, đến 80% thực đơn chỉ là rau, củ, quả, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền, dễ kiếm và không cần nấu. Người nuôi chỉ phải đầu tư ít thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo chiếm khoảng 20% trong khẩu phần ăn. Sức đề kháng của lợn rừng rất tốt nên chẳng lo bệnh tật. Lợn con đẻ ra, cũng bán tới 120.000 đồng/kg.
KT