Hưởng ứng Ngày thế giới
phòng chống HIV/AIDS (1/12), sáng 30/11, tại trụ sở Bộ Y tế (Hà Nội) đã diễn ra
lễ trao tặng ngân phiếu trị giá 1 triệu USD của Công ty Chevron Vietnam Ltd
(chi nhánh của tập đoàn Chevron Hoa Kỳ) cho Chương trình dự phòng lây truyền
HIV từ mẹ sang con (Cục phòng, chống HIV/AIDS- Bộ Y tế).
Theo
đó, thông qua Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và sốt rét (thuộc Quỹ của Mỹ),
Chevron sẽ tài trợ 1 triệu USD cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ
sang con, nhằm giúp những phụ nữ đang mang thai được tư vấn và làm xét
nghiệm HIV; đồng thời giúp những phụ nữ
mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng
thuốc ARV (Antiretroviral).
Lễ trao tặng ngân phiếu trị giá 1 triệu USD của Công ty Chevron Vietnam. |
Theo bà Trần Thị Hương Giang, Vụ trưởng Vụ hợp
tác quốc tế của Bộ Y tế, giảm thiểu nguy
cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong các mục tiêu chính của Chiến lược
Quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.
Thống kê của Bộ Y tế đến
ngày 31/12/2011 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai khoảng
0,25%. Trung bình mỗi năm, cả nước có gần 5.000 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV.
Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình từ 30 - 40%, mỗi năm có
khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.
Trên thực tế, còn nhiều trường
hợp phụ nữ mang thai không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ
mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu do bản thân người phụ nữ thiếu thông tin,
thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV
từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Các dịch vụ dự
phòng lây truyền từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Sự kỳ
thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ
mang thai nhiễm HIV khó tiếp cận các dịch vụ. Một số không nhỏ phụ nữ mang thai
nhiễm HIV chỉ phát hiện ra nhiễm HIV ở giai đoạn muộn trong quá trình mang thai
hoặc trong khi chuyển dạ, dẫn đến khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự
nguyện, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nhằm giảm thiểu tình trạng
này, tháng 6/2012, Bộ Y tế đã phát động "Tháng cao điểm dự phòng lây
truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012" trong cả nước, nhằm huy động sự tham gia của
các các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị; các tổ chức xã
hội và mọi người dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tháng cao điểm cũng nhằm mục tiêu tiếp
tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và
phụ nữ mang thai nói riêng, về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tạo cơ
hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ
sang con... góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Loại trừ hoàn toàn tình
trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” của Liên hợp quốc mà Việt Nam
đã cam kết thực hiện.
"Theo khuyến cáo, nếu
phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị kịp thời thì tỷ lệ lây
truyền HIV từ mẹ sang giảm xuống dưới 5% hoặc thấp hơn nữa, tiến tới có thể
loại trừ hoàn toàn việc trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang con", đại
diện Bộ Y tế cho biết.