Những con đường từ ý Đảng, lòng dân

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Yên Bái luôn xác định tiêu chí phát triển giao thông nông thôn là một trong những thách thức lớn nhưng nếu hoàn thành sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều con đường đã được xây dựng, đẹp đẽ và khang trang, xuất phát từ những chủ trương đúng và đã trở thành minh chứng cho việc khi đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, việc khó mấy cũng sẽ thành công.

Con đường liên thôn chạy qua thôn Ngòi Đong, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm xã Bảo Hưng. Hơn 3 mét mặt đường được đổ bê tông kiên cố với chiều dài 2,2 km chạy bám theo những đồi chè, đồi keo xanh tít tắp.

Trung tâm xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) - xã điển hình về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chưa bao giờ giao thông ở Bảo Hưng - một trong những vùng chè sạch nổi tiếng của Yên Bái lại thuận tiện đến vậy, khi xe ô tô vào thu mua nông sản có thể đến được tận nơi, trẻ em có thể tự đi xe đạp đến trường, những cụ già thong dong thả bộ mỗi buổi chiều.

Không ai có thể tưởng tượng được chỉ mới chưa đầy 3 năm trước thôi, đây vẫn còn là con đường đất với chỉ một lối trâu đi. Mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, cô lập cả thôn Ngòi Đong với bên ngoài…

Ông Ngô Thế Vượng, Trưởng thôn Ngòi Đong, xã Bảo Hưng (Trấn Yên - Yên Bái) cho biết, để có được con đường bê tông liên thôn này thực sự là một sự nỗ lực, một kỳ tích chưa từng ai ở Ngòi Đong dám mơ đến.

Con đường được hình thành như ngày hôm nay chính là nhờ ý Đảng, nhờ chủ trương đúng đắn của Nhà nước kết hợp với sức dân, với sự tham gia đóng góp của từng người dân.

Khi Đảng uỷ và UBND xã Bảo Hưng có chủ trương sẽ mở rộng và kiên cố hóa tuyến đường, toàn bộ người dân thôn Ngòi Đong đã ủng hộ, đồng thuận, cùng nhà nước mà góp đất, góp công sức, góp tiền, cùng tham gia kiểm tra, giám sát cho đến khi con đường được hoàn thành.

Hơn 30 hộ dân thôn Ngòi Đong có tuyến đường chạy qua đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất vườn nhà, tự nguyện phá bỏ cây cối, hoa màu, tường rào trên đất mà không hề đòi hỏi một đồng tiền đền bù nào.

Nhà ông Vượng trưởng thôn cũng đã đi đầu hưởng ứng, hiến hơn 200 m2 đất vườn chè mà theo ông tính toán, mỗi năm thu hoạch từ hơn 1 tạ chè thành phẩm, bán rẻ cũng được gần 10 triệu đồng.

Ông Vượng chia sẻ, tất cả đều vì cái chung, vì lợi ích chung của mọi người. Cả thôn gần 120 hộ dân, hơn 420 khẩu, ngoài hiến đất, các hộ trong thôn đã đóng góp tổng số tiền hơn 500 triệu đồng để cùng tham gia với Nhà nước hoàn thành con đường. Đến bây giờ, lợi ích con đường mang lại đã nhìn thấy rõ.

Giá chè tăng gấp rưỡi, giá gỗ tăng gấp đôi khi giao thông thuận tiện, xe thu mua có thể vào đến từng nhà, bà con trong thôn không còn bị tư thương ép giá. Việc giao lưu, đi lại, học hành của con em trong thôn Ngòi Đong bây giờ cũng đã mở mang hơn trước rất nhiều, không còn cảnh vừa phải khiêng xe, vừa phải cõng con đến lớp như ngày trước.

Đường giao thông của xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) - xã điển hình về xây dựng nông thôn mới, đã được bê tông hóa. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tuyến đường liên thôn qua Ngòi Đong chỉ là một trong số nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được hoàn thành nhờ sự kết hợp giữa chủ trương đúng đắn của chính quyền với việc huy động được sức dân.

Ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tính từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới năm 2011 đến nay, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây nên những con đường khang trang, giống như ở Ngòi Đong.

Theo UBND xã Bảo Hưng, hơn 1,5 ha đất đã được bà con trong xã hiến để làm đường. Cùng với việc đóng góp tiền của và nhiều ngày công, các tuyến giao thông mà trước kia luôn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhiều người khi đến với Bảo Hưng bây giờ đã được thay thế toàn bộ bằng những con đường bê tông, đường trải nhựa.

Ông Nguyễn Xuân Cầu, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng (Trấn Yên - Yên Bái) cho biết, việc người dân tự nguyện hiến đất và đóng góp công sức để làm đường giao thông nông thôn đã góp phần quan trọng để hoàn thành một trong những tiêu chí khó nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.

Sự đồng thuận của người dân, việc huy động được sức dân, việc tham gia trực tiếp của người dân trong bàn bạc, tiến hành xây dựng, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công trình… chính là yếu tố then chốt để có được thành công.

Đến nay, Bảo Hưng đã kiên cố hoá được toàn bộ trục đường xã, liên xã; nhựa và bê tông hoá hơn 70% đường trục xóm, thôn, giúp cải thiện đáng kể việc đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân.

Và chính việc hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn đã giúp Bảo Hưng có bước tiền đề đạt được nhiều tiêu chí về kinh tế, văn hoá, xã hội khác để được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào tháng 12/2016.

Là một huyện vùng cao thuộc diện 62 huyện nghèo nhất nước, Mù Cang Chải (Yên Bái) đang nỗ lực phát huy mọi nguồn lực để phát triển. Tiêu chí giao thông nông thôn được đánh giá là khó khăn nhất đối với huyện này.

Do địa hình chia cắt, đa phần đồi núi cao, quỹ đất có thể dành cho phát triển giao thông rất hạn hẹp, chi phí xây dựng lớn. Huy động sự đóng góp của người dân cũng là một thách thức, bởi đa phần các hộ dân ở đây đều thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân khi hiểu được chủ trương, thấy được lợi ích của những con đường khi hoàn thành sẽ mang lại đã luôn sẵn sàng hiến đất, góp công để làm đường. Hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng nghìn ngày công đã được người dân huyện miền núi khó khăn Mù Cang Chải tự nguyện đóng góp để làm đường.

Ông Hoàng Văn Nguyên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, hơn 90% dân số Mù Cang Chải đều là đồng bào Mông. Cuộc sống khó khăn nên việc huy động bà con đóng góp tài chính để làm đường là việc làm gần như không tưởng.

Tuy nhiên, bà con lại rất ủng hộ chủ trương mở đường của Đảng và Nhà nước nên sẵn sàng hiến đất và góp ngày công lao động. Trên địa bàn toàn huyện Mù Cang Chải, bà con đã hiến tới gần 50 ha đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng.
 
Trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái, có hàng nghìn hộ dân đã hiến hàng trăm ha đất để mở những con đường mới khang trang. Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tâm sự, những con đường đó chính là những con đường của ý Đảng, lòng dân.

Việc người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, không đòi hỏi tiền đền bù đã giúp rất nhiều để một tỉnh vùng cao như Yên Bái phát triển được mạng lưới giao thông nông thôn. Điều đó cũng minh chứng một điều, khi chủ trương đúng đắn được người dân đồng thuận, ủng hộ sẽ tạo xung lực lớn để thực hiện những việc khó khăn đôi khi tưởng chừng như là không thể.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, suốt hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái, gần 600 km đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hoá; gần 1.200 km đường được mở mới, vượt cả những mục tiêu mà Đề án phát triển giao thông nông thôn mà Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Yên Bái đề ra.

Từ một mục tiêu tưởng chừng vượt ngoài khả năng thực hiện, việc xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trở thành một phong trào.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, 25 xã, chiếm 16,4% tổng số xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoàn thành được tiêu chí này, từ đó, nhiều con đường mới đã được nâng cấp, xây dựng đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Yên Bái: Bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm
Yên Bái: Bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm

Vào 18 giờ 30 phút ngày 15/2, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ đối tượng truy nã Đào Mạnh Cường, sinh năm 1987, trú tại Khu 6, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, về tội trộm cắp tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN