Ngày ấy, xứ Quảng quê tôi nghèo xơ xác với đất đai khô cằn trong nắng gió. Hạn hán, thiên tai lũ lụt thường xuyên diễn ra gây thất bát mùa màng nên trong mỗi khu vườn người dân quê tôi đều có trồng sắn (khoai mì) để sẵn sàng “cứu đói”, phòng khi giáp hạt.
Bát canh khoai mì “cách điệu”. |
Ngày ấy, để khỏi ngán điệp khúc “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”, mẹ tôi chế biến các món ăn dân dã, bình dị mang hương vị quê nhà từ sắn như: sắn luộc chấm muối mè, sắn xào, sắn chiên, xôi sắn, chè sắn, bánh sắn… để trừ cơm. Nhưng, thời thơ bé, tôi thích nhất là món canh sắn nấu với tép mà mẹ thường “ưu tiên” cho tôi nhiều hơn bởi vì tôi bé nhất nhà.
Để nấu món canh sắn, mẹ chọn những củ sắn múp, ít xơ, không quá to. Mẹ lột hết vỏ sắn và rửa lại sạch sẽ rồi lấy dao nạo từng miếng bằng đốt ngón tay, ngâm trong nước khoảng một giờ cho hết nhựa, sau đó vớt ra rổ để ráo nước. Mẹ cho dầu phụng vào nồi, phi hành lên cho thơm, rồi cho tép đã làm sạch và ướp gia vị vào xào cho thấm đều, tiếp đó đổ nước và sắn vào nấu khoảng độ ba mươi phút. Khi canh chín, chuẩn bị nhắc xuống thì cho muối, bột ngọt, rau thơm và một ít bột tiêu vào là có được món canh sắn thơm ngon, đậm đà. Nồi canh sắn đạt yêu cầu là phải không quá nát, không quá đặc, không quá loãng, lúc ăn có vị bùi và béo của sắn, vị ngọt của tôm, tép; mùi thơm hấp dẫn của hành, của rau thơm và gia vị.
Sau này, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng khá dần lên, những nồi canh sắn của một thời nghèo khó do những bà mẹ quê tôi chế biến đã mất dần trong sự lãng quên của người đời. Nhưng anh em chúng tôi vẫn thi thoảng nấu những nồi canh sắn “cách điệu” với những hải sản đắt tiền trông khá thơm ngon để ăn mà nhớ về một thời nghèo khó. Mỗi lần thấy cảnh nhà ai đang nhổ sắn trong vườn, tôi lại nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ bát canh sắn thơm ngon và cả những lời vỗ về, ân cần của mẹ vào ngày thơ tấm bé.
Tiên Sa