Nhớ cơn gió thoảng là là hương cau…
Đọc thơ Trần Vạn Giã đã nhiều. Ấy thế nhưng, thực tình mà nhớ thì - xin chịu tội với nhà thơ - tôi chỉ nhớ có… hai câu trên! Cảm thức của con người - chao ôi - chắc cũng là một phạm trù bất khả tư nghị; cái tự dặn lòng (hay… vợ dặn dò) phải nhớ thì quên khổ quên sở. Cái không ai biểu thì đôi khi sinh chứng lãng đãng… nhớ dai. Bực chưa?
Mà kể cũng đáng cái đời tôi. Ai biểu tôi lạc đường đầu thai nhằm cửa nhà quê làm chi. Nhà quê ra ngõ gặp… bò trâu, chiêm bao toàn cây cỏ, lúa má, rạ rơm là chuyện duyên nghiệp; đừng mơ đùn đẩy cho ai. Nói thế cũng có nghĩa rằng: cái hương cau của Trần Vạn Giã với người phố chưa chắc đã thơm; nhưng với thằng nhà quê tôi thì thơm, thơm lâu lắm. Thơm đến cồn cào gan ruột, đến thần người ra, đến trào nước mắt mỗi bận đi lâu con đã nhớ nhà…
Ấy là lúc kí ức tôi chạm vào hàng cau trước ngõ một thời quê…
Mà cái giống cau kể cũng kì. Cùng họ với dừa; nhưng dừa có thể nghiêng nghiêng soi bóng còn cau thì không! Cây cau lúc nhỏ, nếu người trồng có buồn tình mà bẻ vẹo sang bên thì - lớn lên - nó vẫn cứ nhất định là… thẳng tắp! Có chênh vênh cạnh bờ ao, bờ hồ cau vẫn luôn thẳng tắp. Cái thế trực chỉ trời xanh kia đã tạo cho cau một vẻ đẹp cân đối, chân phương nếu chịu khó trồng cách quãng đều đặn quanh nhà, quanh sân.
Ừ, cân đối, chân phương; rõ rồi; nhưng dáng cau chân phương mà không hề cứng nhắc, mới hay! Cau luôn dịu dàng nhờ chiếc thân mảnh mai nhưng cực dẻo, cực dai; bởi tán lá rủ mềm hệt chòm tóc xanh rũ rượi, xùm xòa…. Nói về cái độ dai dẻo của thân cau thì chắc chắn khỏi có chỗ chê. Gió bão? cuồng phong? Mặc! Cau cứ uốn mình nằm rạp - gần như… sát đất. Nhưng hết gió là lại bật lên, đứng thẳng! Cái độ dẻo ấy khiến người leo cau không quen dễ… tái mặt vì bị đung đưa rất dữ. Nhưng quen rồi thì khoái. Và lại vô cùng tiện; bởi người leo có thể nhún mình đu từ đọt cau này sang đọt cau khác một cách… ngon ơ; khỏi mất công leo xuống leo lên cho tốn sức, mất thì giờ!
Sống thì mềm; nhưng còn chết? Lúc nào chết đi, những thân cau già, khô bỗng trở thành… vô số cứng! Cứng đây là nói cái phần “cật”; tức lớp gỗ bao ngoài gồm luôn cả vỏ. Ít ai biết rằng, ngày xưa, khi sắt còn quí hiếm, người quê dùng phần cật cây cau già chuốt nhọn làm… đinh! “Đinh” cau, tất nhiên, chỉ có thể đóng vào các loại gỗ mềm, xốp. Nhưng nội cái việc “gỗ dùng đóng gỗ” đã đủ để hình dung mức độ bàn dân kính nể cau đến cỡ nào! Thứ đinh cau ấy thường dùng để đóng hòm (quan tài). Lạ kì chưa, người quê sống đồng hành cùng cau, đến chết cũng lại… đồng hành cùng cau!
Mà phải; ai mang sở thích lội ngược dòng kí ức, hẳn đều biết cây cau đồng hành cùng dân tộc… hơi lâu. Tục ăn trầu, món lễ vật trầu cau hiện diện trong các dịp lễ lạc, cưới xin chắc chắn là một trong những tục lệ cổ xưa nhất của người Việt! Mà đã ăn trầu thì món cau không thể thiếu. Thế nên, quê đồng hành cùng Việt, cau đồng hành cùng quê như một sự giằng níu nghiệp-duyên. Mà ý hẳn duyên nhiều hơn nghiệp; bởi cái sự giằng níu ấy quả tình là rất… dễ thương. Nó dễ thương từ chiếc quạt mo mẹ phành phạch đêm hè hay mo cơm nắm theo cha ra đồng trong buổi sớm tinh sương. Nó dễ thương từ mùi hương cau đẫm ánh trăng xanh len lén thả lời ru cây chổi cau thiếp ngủ bên hè…
Không thế, sao bức tranh quê xưa nào cũng có bóng cau nhô lên đằng sau mái rạ?
…Và không thế, sao người xa quê trong thơ Trần Vạn Giã lại nghe mùi hương cau trước nhất trong cảm thức hoài hương…
Y Nguyên