Giờ đây tôi có thể bước vào quán ăn sang trọng để gọi tô mì Quảng. Nhưng bữa ăn đầm ấm cùng gia đình bên mái nhà tranh vách đất, tôi không sao quên được. Tôi vẫn thường mơ thấy lò đúc bánh tráng vào dịp cuối năm với dáng mẹ lom khom phơi mì nơi miền quê một thời nghèo khó. Gia đình tôi thường làm mì gà, trước cúng song thân, sau cả nhà ăn để tôi có dịp sống lại với những kỷ niệm êm đềm của ngày thơ tấm bé.
Muốn có củi nấu bánh tét và tráng mì vào những ngày cuối năm, cha tôi phải lượm nhặt, tích cóp cả năm. Cùi ngô phơi khô, những gốc củi cha nhặt được trôi trên sông trong mùa lũ, cũng có khi là mấy gốc tre lồi gốc sau vườn, được cha lôi bứng lên và bửa ra phơi khô, cất vào xó bếp. Cha bảo: Bánh tráng ngon hơn nếu được đun bằng củi gốc tre. Vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre như thấm đậm ân tình của người dân đất Quảng.
... Gạo để làm bánh tráng được làm từ “lúa xiệt” quê tôi - Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam. Sau vụ mùa, mẹ cất lúa vào ghè từ cuối tháng tám âm lịch, để dành đến tết tráng mì. Bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre.
Năm nào cũng vậy, sau ngày 20 tháng Chạp là nhà tôi đúc bánh tráng. Mẹ tôi dậy sớm ngâm gạo cho mềm. Sáng ra, khi con đường làng còn mờ mịt khói sương, cha tôi kĩu kịt gánh gạo, củi, xoong nồi, vừa đi vừa chạy lúc lắc đến nhà có đồ nghề xay. Hồi đó chưa có máy xay bột, người ta thường phải xay bằng cối đá.
Thỉnh thoảng, cha tôi ngừng tay để thêm gạo và múc một ca nước đục đã chảy xuống xoong trong quá trình xay để đổ vào họng cối.
Số bột này sẽ được đúc các loại bánh tráng nướng, bánh tráng mỏng để gói ram, gói rau sống, thịt heo, một số để làm mì khô. Lá mì để xắt mì khô không quá dày, cũng không mỏng quá. Sau khi phơi hoặc xông lửa cho ráo mặt, dùng dao xắt chuối mài bén, đặt cây thước trên năm lá mì để xắt một lần.
Mì dùng để chế biến các món trộn với tôm thịt hay nấu canh với lòng gà lòng vịt rất ngon.
Trước ngày đúc mì, mẹ bắt con gà to nhất, nhốt trong giỏ sắt sau nhà để chuẩn bị cho bữa mì Quảng cuối năm. Nhân mì nấu bằng thịt gà ta thơm ngon đáo để. Rau sống tươi xanh gồm xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn. Mì vừa mới đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phộng thứ thiệt.
Trên tô mì hiện diện rất nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương quê ngào ngạt. Anh em chúng tôi “lùa”, mì đến đâu, cái ngon, cái thú vị thấm tới đó. Cả gia đình tôi xúm xít thưởng thức bữa mì Quảng cuối năm trong cái se lạnh của một buổi chiều lập xuân giáp Tết.
Hòa Vang