Khi thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học, thay vì chấm những điểm số (7, 8, 9,10) như trước đây, giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng những lời nhận xét. Điều này đã đem đến cho giáo viên không ít khó khăn, bận rộn vì hiện nay sĩ số học sinh mỗi lớp thường quá đông, trung bình trên dưới 40 em/lớp, giáo viên lại không có nhiều thời gian, dễ bị quá tải…
Thế là những sáng kiến “khắc dấu lời nhận xét” được đúc sẵn như: “Con có cố gắng”, “Con giỏi lắm”… đến những biểu tượng các hình mặt cười, mặt méo, bông hoa, ngôi sao… được “phát minh”. Mỗi khi xem bài cho học sinh xong là giáo viên chỉ việc cộp (đóng dấu) vào vở của các em. Cách làm trên đang được rất nhiều giáo viên ở các trường tiểu học áp dụng.
Ý nghĩa ban đầu của việc thực hiện Thông tư 30 là “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh”, lời nhận xét phải kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ học sinh, đồng thời phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ các em… Do đó, theo tôi nếu giáo viên chỉ chăm chăm dùng những “công thức nhận xét” hay nhận xét kiểu “cho có” sẽ là phản tác dụng.
Giáo dục là “trồng người” chứ không phải đào tạo ra những người máy. Việc nhận xét bằng những con dấu này còn tệ hại hơn việc cho điểm, thể hiện sự quan liêu, hình thức và “công thức hóa” trong chính đội ngũ giáo viên. Nhận xét, đánh giá của cô giáo là thái độ, tình cảm, mong muốn chỉ bảo cụ thể với từng em học sinh. Ngoài kiến thức, “chữ của thầy” qua nhận xét với sắc thái tình cảm thể hiện sự yêu thương, mong mỏi của thầy, cô giáo chính là những hạt mầm đẹp gieo vào tâm hồn các em, từng bước hình thành phẩm chất nhân cách của học sinh.
Do vậy, những lời nhận xét của thầy không thể dùng “con dấu” như một thủ tục hành chính. Khắc sẵn lời nhận xét trên con dấu không thể viết được dài nên những con dấu chỉ thường là một tính từ khuôn mẫu, có sẵn, khô khan. Chữ trên con dấu dù có đẹp, mực dấu có tươi vẫn không thể hiện được hết tình cảm thầy dành cho trò bằng con chữ do chính tay thầy viết, chữ thầy viết ra là “nét chữ, nết người”. Bên cạnh việc khắc dấu nhận xét, một số giáo viên hiện nay lại có kiểu ghi nhận xét ngắn gọn là “đạt” hoặc “không đạt”, thoạt nghe rất dễ dàng nhưng đang gây khó cho nhiều phụ huynh. Vì nếu đạt thì bài tập làm đúng của học sinh là phải 50% trở lên. Không đạt dưới 50%. Vậy, những em làm bài tốt hơn từ 70 - 100% bài thì sao? Những lời nhận xét kiểu chung chung như vậy rất khó để cho phụ huynh học sinh nắm bắt được chất lượng học tập của con em mình.
Bỏ chấm điểm học sinh, nhận xét bằng con dấu khô cứng đóng lên sách vở của học sinh thật phản cảm và thiếu tính giáo dục bởi cô giáo là người thầy, đâu phải công chức xét duyệt bài vở của trò! Thiết nghĩ, một chủ trương đúng nhưng thực hiện thế nào cho hiệu quả, là cả một quá trình lâu dài; trong đó vấn đề vẫn là trách nhiệm, trái tim và tình yêu thương của người thầy dành cho học sinh.
Lê Thị Thúy Mong