Tiền Giang: VAC - mô hình hiệu quả ở vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông
Khắc phục tình trạng đất nhiễm mặn khó canh tác bằng cách trồng những cây ăn quả phù hợp, đưa thêm giống mới vào sản xuất, áp dụng mô hình VAC để làm giàu, là hướng đi đúng đã giúp gia đình anh Phan Quốc Hùng, ấp Tân Hưng, Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), dựng nên cơ nghiệp vững vàng.
Anh Hùng đã chuyển 1,7 ha đất vườn tạp sang chuyên canh dừa - cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất cù lao thường bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Để tăng thêm nguồn thu, dưới tán dừa, anh trồng xen ca cao, tạo nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Không dừng lại ở đó, là hội viên Hội Nông dân, thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, anh Hùng tiếp cận với mô hình sản xuất VAC rất phù hợp với đặc thù địa phương. Anh Hùng đã mạnh dạn cải tạo lại ao mương, xây chuồng trại để nuôi lợn nái, lợn thịt, đồng thời thả nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá tra, rô phi, mè, chép, trê... Ban đầu, anh chỉ nuôi 2 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Sau một năm với mô hình canh tác mới, anh đạt lợi nhuận từ tổng các nguồn thu hoạch thủy sản, lợn, vườn cây... trên 30 triệu đồng. Kết quả tốt, khích lệ anh mở rộng mô hình và qui mô sản xuất lên 8 con lợn nái hậu bị, 7 con lợn nái đẻ và 50 con lợn thịt theo hướng bán công nghiệp.
Để tăng nguồn thu và chủ động trong phòng chống bệnh tật cho đàn lợn nái, lợn thịt, anh học cách chăm sóc lợn theo khoa học, cách gieo tinh nhân tạo và tiêm phòng chống dịch bệnh định kỳ, thay vì phải thuê mướn nhân viên thú y. Nhờ vậy, anh tiết kiệm thêm được một khoản chi phí đáng kể. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường chăn nuôi, anh xây hầm khí sinh học (biogas), vừa tránh được ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe, vừa tận dụng nguồn gas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình.
Mỗi năm, gia đình anh đạt thu nhập trên 80 triệu đồng. Qua nhiều năm gắn bó với mô hình VAC, gia đình anh Phan Quốc Hùng đã thoát nghèo và “đổi đời”.
Quảng Trị: Mô hình đạt 50 triệu đồng/ha
Huyện Vĩnh Linh đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập 50 triệu đồng/ha, phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên.
Thu hoạch hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh. |
Đề án “Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha” được huyện Vĩnh Linh thực hiện từ năm 2007, nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xác lập công thức luân canh, xen canh, gối vụ, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, chế độ canh tác hợp lý, khai thác tiềm năng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đề án này tập trung thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng, chuyên canh, thâm canh, tăng hệ số sử dụng đất, cải tạo độ phì cho đất; sản xuất theo hướng tập trung...
Qua 4 năm thực hiện đề án, huyện Vĩnh Linh đã có trên 6.300 ha diện tích canh tác cho thu nhập cao, trong đó có trên 4.500 ha cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, 1.800 ha đất canh tác cây hàng năm. Các mô hình được xây dựng như: Lúa - cá - lợn; mô hình thâm canh lúa chất lượng cao; mô hình trồng khoai môn xen khoai lang gối sắn dây; ném xen ngô đông xuân - dưa non; lạc - khoai môn gối sắn dây... Việc thực hiện đề án đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng hệ số sử dụng đất từ 2,5 - 3 lần so với trước đây.
Minh Trí - Vương Lợi