Ngày 6/3, lễ đưa di hài của cố Tổng thống Hugo Chavez từ bệnh viện quân sự "Dr. Carlos Arvelo" tới Học viện Quân sự Boliva, nơi sẽ diễn ra lễ tang chính thức, đã được tiến hành tại thủ đô Caracas. Hàng vạn người dân Venezuela trong trang phục màu đỏ cách mạng, biểu tượng của thời đại Chavez, đã đổ ra các đại lộ chính ở thủ đô để tiễn biệt và bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo khởi xướng cuộc cách mạng Boliva ở Venezuela .
Hàng vạn người dân Venezuela tiễn đưa di hài của Tổng thống Chavez tới Học viện Quân sự Boliva. |
Một nghi lễ trang trọng đã được tổ chức ngay trước cổng bệnh viện, nơi ông Chavez đã trải qua những giờ phút cuối đời, với sự có mặt của gia đình Tổng thống, các quan chức chính phủ. Quan tài của Tổng thống Chavez với một lá cờ Venezuela phủ kín bên trên đã được đội danh dự rước ra xe hoa và được hàng nghìn người đi bộ tháp tùng trên đoạn đường dài gần 8 km tới Học viện Quân sự, nơi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế sẽ chia tay lần cuối một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong lịch sử Venezuela và Mỹ Latinh trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Một loạt nguyên thủ các nước Mỹ Latinh như Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Argentina Cristina Fernandes, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Tổng thống Uruguay Jose Mujica đã có mặt để tiễn đưa người bạn lớn của các dân tộc Mỹ Latinh.
Dọc hai bên những đại lộ chính nơi đoàn xe đưa quan tài cố Tổng thống Chavez đi qua, người dân Venezuela hô vang những khẩu hiệu bày tỏ sự tôn kính, tiếc thương và ủng hộ đối với nhà lãnh đạo tài ba này: "Hẹn đến ngày toàn thắng, Tổng tư lệnh", "Ông sẽ luôn ở trong trái tim chúng tôi, Chavez".... Cũng như mỗi lần Tổng thống Chavez tổ chức các cuộc tuần hành vận động tranh cử, biển người màu đỏ đã lại sánh bước cùng ông trên mọi ngả đường.
Với hầu hết nhân dân Venezuela, Tổng thống Chavez đã ra đi nhưng lý tưởng và con đường mà ông đã tạo dựng vẫn sẽ tiếp tục không ngừng nghỉ. Hoàn thành ý nguyện lúc sinh thời của Tổng thống Chavez về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước là món quà tưởng nhớ cao đẹp nhất mà người dân Venezuela có thể mang đến cho ông.
Sau hơn 7 tiếng đồng hồ, di hài của Tổng thống Chavez đã về tới Học viện Quân sự Boliva, nơi lúc sinh thời ông từng ví von là "ngôi nhà của những ước mơ màu xanh" trong sự chào đón theo nghi lễ quân sự. Ngay sau đó, học viện đã mở cửa để hàng triệu người dân Venezuela và bạn bè quốc tế đến chào từ biệt Tổng thống Chavez trong những ngày tới, trước khi diễn ra lễ truy điệu chính thức vào ngày 8/3.
* Cũng trong ngày 6/3, Thụy Sĩ cùng với các nước khác đã chính thức gửi điện chia buồn tới Venezuela sau khi Tổng thống Chavez qua đời, đồng thời hy vọng tăng cường quan hệ song phương với quốc gia Nam Mỹ này.
Theo nghi lễ ngoại giao chính thức, Thụy Sĩ treo cờ rủ trước sự ra đi của vị nguyên thủ quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao Didier Burkhalter sẽ đến chia buồn tại Đại sứ quán Venezuela ở Bern vào ngày 8/3.
Ngoại trưởng Burkhalter cho rằng tương lai của Venezuela phụ thuộc vào cách thức chuyển giao quyền lực tại quốc gia Nam Mỹ này trong một vài tuần tới khi nước này tổ chức bầu cử. Ông Burkhalter bày tỏ hy vọng việc tăng cường đảm bảo an ninh ở Venezuela sẽ mở đường cho các hoạt động đầu tư của Thụy Sĩ về lâu dài.
Các mối quan hệ giữa Thụy Sĩ và Venezuela đã căng thẳng sau khi chi nhánh Holcim tại Venezuela, thuộc Tập đoàn sản xuất xi măng hàng đầu thế giới Holcim của Thụy Sĩ, bị quốc hữu hóa vào năm 2008. Hiện tại, theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mối quan hệ song phương là "tốt nhưng chưa thực sự phát triển mạnh".
Năm 2011, Thụy Sĩ nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và kim loại, từ Venezuela trị giá 6,3 triệu franc Thụy Sĩ (6,7 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Venezuela đạt tổng cộng 374 triệu phrăng. Đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Venezuela năm 2010 là 2,1 tỷ phăng.
Thụy Sĩ mở đại sứ quán ở thủ đô Caracas từ năm 1961. Tính đến cuối năm 2012, khoảng 1.800 công dân Thụy Sĩ sinh sống ở quốc gia Nam Mỹ này.
TTXVN/Tin tức