Những ngày qua, thông tin về một loạt vụ vận chuyển thịt “bẩn” quy mô lớn từ Bắc vào Nam đã làm người tiêu dùng cả nước bàng hoàng. Mới nhất là sáng 22/5, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện một xe container chở 1,5 tấn nội tạng lợn đã bốc mùi từ Hà Nội vào Biên Hòa tiêu thụ. Nhiều người giật mình, bởi cả chặng đường hơn ngàn cây số phải qua rất nhiều trạm kiểm soát, vậy mà số thịt “bẩn” nói trên vẫn được vận chuyển trót lọt và nó chỉ lộ tẩy khi chủ phương tiện giao hàng cho đầu mối.
Thực ra, câu chuyện thực phẩm “bẩn” đã được cảnh báo từ lâu. Có điều, nó thực sự trở nên bức xúc khi liên tiếp xảy ra những vụ vận chuyển, tiêu thụ thịt “bẩn” với quy mô lớn được phát hiện! Thật khó tin, ngay giữa Thủ đô Hà Nội lại có 3 đến 4 chợ chuyên kinh doanh đồ ôi, thối (chủ yếu là thịt lợn và nội tạng lợn) tồn tại từ nhiều năm nay. Có dịp qua đoạn giáp ranh giữa hai xã Xuân Đỉnh và Đông Ngạc, huyện Từ Liêm vào tầm trưa, sẽ dễ dàng chứng kiến cảnh buôn bán thịt thừa, thịt ôi diễn ra tấp nập mà không gặp bất cứ sự cản trở nào từ cơ quan chức năng. Những miếng thịt đã ngả màu hoặc bốc mùi ôi thiu tại đây được bán với giá chỉ bằng một nửa so với giá thịt bình thường. Còn chợ Ba La (Hà Đông), chỉ họp vỏn vẹn trong vòng 2 tiếng đồng hồ, từ 12 giờ trưa đến khoảng 14 giờ chiều hằng ngày, mà sản phẩm chủ lực cũng là thực phẩm ôi, thối, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng hết sức bức xúc về sự thờ ơ, buông lỏng quản lý nguồn thực phẩm trôi nổi của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Càng bức xúc hơn khi đặt sự việc này bên cạnh một loạt mô hình sản xuất thịt sạch bị... phá sản. Bên cạnh đó, ngành giết mổ sạch ở ngay Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có nguy cơ chết yểu với nhiều lò mổ sạch phải đóng cửa bởi không thể cạnh tranh nổi với giết mổ lậu.
Những vụ việc nêu trên cho thấy, việc xử lý thực phẩm “bẩn” đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nó không những chỉ gây hại cho người tiêu dùng, mà còn gây hại cho chính những người chăn nuôi chân chính và bóp chết ngành thực phẩm sạch. Nếu không ra tay dẹp triệt để nạn thịt “bẩn”, thì việc cải tổ ngành chăn nuôi nói riêng cũng như việc xây dựng thị trường thực phẩm sạch nói chung sẽ mãi chỉ là vô vọng!
Yến Nhi