Khống chế việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan

Nguy cơ hiển hiện

Việc sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện, không kiểm soát là nguyên nhân dẫn đễn tình trạng kháng thuốc đang diễn ra trầm trọng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Dễ như… mua kháng sinh

Chị Nguyễn Thùy Anh chỉ định vào cửa hàng để mua siro ho cho con, nhưng ngay lập tức dược sĩ của hiệu thuốc trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã hỏi: “Con chị có bị sốt không?”. Thấy chị Thùy kể tình trạng của bé có sốt nhẹ và ho dày cơn, dược sĩ này khẳng định ngay cần phải uống kháng sinh kết hợp với thuốc ho và chủ động “bốc” luôn 3 ngày kháng sinh, đồng thời dặn thêm: “Nếu sau 3 ngày chưa thấy đỡ thì ra đây đổi thuốc khác”.

Việc mua và sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện, không kiểm soát là hiện tượng rất phổ biến lâu nay. Không cần có đơn thuốc của bác sĩ, người mua có thể tự đến các hiệu thuốc và hỏi mua các loại kháng sinh theo ý mình một cách rất đơn giản, từ loại rẻ tiền nhất đến những loại kháng sinh mới, đắt tiền; từ loại kháng sinh nhẹ tới loại dành cho các bệnh rất nặng.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm sẽ cứu được thế hệ tương lai.

Bế con từ trong một phòng khám nhi ra, chị Hoàng Thúy Hạnh, nhà ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cầm đơn đi mua thuốc cho con. Trong đơn, bác sĩ chẩn đoán con chị bị sốt vi rút, tuy nhiên lại kê 5 ngày kháng sinh nhóm cefixim, kèm với một số thuốc điều trị triệu chứng sổ mũi, viêm họng. Chị Hạnh cho biết: “Lần nào con tôi bị sốt hay bị ho tôi đều đưa con đi khám bác sĩ, lần nào cháu cũng phải uống kháng sinh, khi bị nhẹ thì uống 3 ngày, khi bị nặng thì uống 5 ngày, có khi phải điều trị hai đợt liền nhau đến 1 tuần liền. Tôi cứ theo chỉ định của bác sĩ cho con uống thôi, cũng không rõ lợi hại thế nào”.

Và không chỉ người bệnh, bản thân các bác sĩ cũng rất lạm dụng kháng sinh khi kê đơn cho bệnh nhân, mà không quan tâm đến những mối nguy hại của nó. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chưa ở đâu việc mua thuốc kháng sinh lại dễ như ở Việt Nam, trong khi đây lại là hiện tượng bị nghiêm cấm ở các nước khác. Nguyên nhân cũng bởi việc quản lý sử dụng thuốc còn chưa chặt chẽ, nhiều người liên quan đến mua bán thuốc lấy mục đích lợi nhuận làm đầu.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Tôi từng phải xấu hổ với các đồng nghiệp nước ngoài khi họ thắc mắc tại sao các hiệu thuốc ở Việt Nam có thể bán kháng sinh một cách đơn giản mà không cần chỉ định của bác sĩ như vậy. Thực chất kháng sinh không phải là thuốc chữa mọi loại bệnh như nhiều người nghĩ, nó chỉ dùng cho các bệnh được xác định là do vi khuẩn gây nên. Trong khi đó, phần lớn các bệnh là do vi rút nên việc uống kháng sinh là không có tác dụng, thậm chí còn cho tác dụng ngược lại vì kháng sinh vốn là “con dao hai lưỡi” mà nguy hiểm nhất là gây nên tình trạng kháng thuốc.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong cơ thể con người luôn có các loại vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn có hại xâm nhập. Dùng kháng sinh là đưa vào cơ thể một loại vi khuẩn khác không làm hại cơ thể nhưng nếu lạm dụng, về lâu dài sẽ khiến các vi khuẩn có sẵn trong cơ thể sinh ra các gen kháng thuốc kháng sinh. Nguy hiểm nhất là các vi khuẩn này sẽ truyền gen kháng thuốc cho các loại vi khuẩn có hại. Nghĩa là khi đó việc điều trị bệnh bằng kháng sinh sẽ không còn tác dụng.

Hậu quả khôn lường

Tình trạng kháng thuốc sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, đặc biệt còn là nguyên nhân của nhiều ca tử vong vì hết thuốc chữa.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc với mức độ kháng ngày càng gia tăng. Không chỉ một mà thậm chí có nhiều loại siêu vi khuẩn có thể kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Đáng chú ý, tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. Thói quen tự chữa trị, việc mua kháng sinh quá dễ dàng và đơn giản ở bất kỳ hiệu thuốc nào mà không cần đơn thuốc… đã làm gia tăng sự kháng thuốc. Nếu cứ diễn ra tình trạng này, trong tương lai, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Theo các bác sĩ, nhiều ca bệnh dù nặng nhưng tiền sử bệnh nhân trước đó chưa từng sử dụng hoặc sử dụng ít kháng sinh, thì việc chữa trị rất “nhàn” vì cơ thể bệnh nhân dễ dàng đáp ứng ngay với thuốc. Những trường hợp đã bị kháng thuốc, việc điều trị vô cùng khó khăn, kể cả với những bệnh đơn giản như viêm phổi, nhiễm trùng máu... “Nếu kháng một loại thuốc thì còn có thuốc khác thay thế, nhưng kháng đa thuốc thì khi đó bắt buộc phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh, hoặc các kháng sinh mới rất đắt tiền, nhưng luôn có khả năng gây độc cho cơ thể người, mà bác sĩ điều trị phải tính toán rất kỹ và theo dõi sát sao. Thậm chí chi phí điều trị đối với các trường hợp kháng đa thuốc cao hơn rất nhiều lần so với người bệnh không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp”, một chuyên gia y tế cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định, vấn đề kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Trong khi đó, việc nghiên cứu, sản xuất các thuốc kháng sinh mới không được đầu tư nhiều, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, nhất là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Bên cạnh đó, các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Cả xã hội hiểu biết, quan tâm và cùng chung tay sử dụng kháng sinh có trách nhiệm chính là đang tự cứu mình. “Phòng chống kháng thuốc chính là hành động vì thế hệ mai sau”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW: Chỉ các bác sĩ mới có khả năng chẩn đoán bệnh do vi rút hay vi khuẩn gây nên để chỉ định dùng kháng sinh một cách hợp lý. Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các bệnh viện nhất là các tuyến trên khiến các bác sỹ thiếu thời gian đánh giá tình trạng người bệnh, người bệnh luôn kỳ vọng được sử dụng thuốc khi lên tuyến trên, bác sỹ cũng chịu tác động của trình dược viên… cũng là nguyên nhân của tình trạng lạm dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế. 


Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Việc sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn và hiệu quả có ý nghĩa rất to lớn. Sử dụng kháng sinh hợp lý không chỉ giúp cho người bệnh không gặp tình trạng kháng thuốc mà còn giúp người bệnh và bệnh viện tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho điều trị bệnh. Vì thế sau khi bệnh viện ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, lãnh đạo bệnh viện phải chỉ đạo các khoa, phòng phối hợp với giám định bảo hiểm y tế kiểm duyệt thuốc theo đúng kháng sinh đồ, chỉ đạo sát sao mọi cán bộ y tế phải sử dụng kháng sinh có hiệu quả và trách nhiệm.


Tạ Nguyên
Siết chặt kê đơn, mua bán thuốc kháng sinh
Siết chặt kê đơn, mua bán thuốc kháng sinh

“Phải hạn chế được tình trạng tự ý chữa bệnh của người dân, quản lý được việc tự kê đơn của các nhà thuốc và tình trạng lạm dụng kháng sinh trong kê đơn của các bác sĩ mới có thể giảm tình trạng kháng thuốc đáng báo động như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN