chống cháy rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến hàng ngàn hécta rừng ở các tỉnh nằm trong nguy cơ cháy ở mức báo động. Trong khi đó, nguồn nước phục vụ phòng và chữa cháy rừng đã cạn kiệt khiến công tác bảo vệ rừng đối mặt với nhiều khó khăn.


 

Ngày càng nguy hiểm


 

Ông Nguyễn Tấn Truyền, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia U Minh Hạ, lo lắng: “Nếu hỏa hoạn xảy ra, những cây tràm sẽ như những ngọn đuốc khổng lồ. Là rừng đầm lầy than bùn, hiện độ ẩm của đất ở U Minh Hạ đã giảm xuống dưới 50%, do vậy thảm thực vật ở đây đang là mối lo lớn”.


 

Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác phòng chống cháy rừng.

 

Rừng U Minh Hạ có trên 8.000 ha, trong đó có 5.000 ha đang ở mức báo cháy cấp 5. Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết: Hiện tại, đã bước vào giai đoạn giữa mùa khô, tuy nhiên mực nước dưới chân rừng tương đương giai đoạn cuối mùa khô của cùng kỳ năm ngoái. Nước bốc hơi nhanh, trung bình mặt nước sụt 6,5 cm/tuần và đến nay đã âm từ 0,7 - 1 m so với mặt đất rừng. Vì vậy, công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) đang diễn ra cấp bách, quyết liệt để không xảy ra cháy.


Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh Cà Mau có diện tích rừng tràm gần 70.000 ha đang có nguy cơ bị khô hạn, dễ xảy ra cháy ở mức cao. Trong đó, diện tích rừng ở mức báo động cháy cấp 4, cấp 5 là hơn 24.000 ha. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh đã chủ động đắp trên 500 con đập với mục đích tích nước cho rừng. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió mạnh đã làm cho nguồn nước cạn nhanh”.


Tại tỉnh Kiên Giang, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô trên các lâm phần gần 23.000 ha, chiếm 30% diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, rừng tại các huyện Phú Quốc, U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên dự báo cháy cấp 3, cấp 4, thậm chí có nơi lên đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao đang tăng nhanh do thời tiết bước vào cao điểm mùa khô, nhất là những khu vực rừng tràm, mực nước xuống thấp và không có hệ thống điều tiết nước. Huyện đảo Phú Quốc có trên 37.000 ha rừng với hai loại rừng là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện đang có nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm hơn 60 ha. Trong khi đó, gần 3.500 ha ở mức báo động cấp 5, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào chủ yếu tại khu vực đồng tràm thuộc các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và khu vực Bắc - Nam Bãi Trường.


Dưới cái nắng oi nồng của Vườn quốc gia U Minh Thượng, ông Trần Hồng Đảo, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) sốt ruột nói: “Năm nay thời tiết nắng nóng diễn biến gay gắt, nước bốc hơi nhanh nên diện tích lâm phần có nguy cơ cháy tăng lên từng ngày. Vườn U Minh Thượng có 278 ha rừng đang ở mức báo động cấp 3 tại tiểu khu 58, 59 và 494 ha báo động cấp 2 thuộc tiểu khu 47, 48, 49, 50”.


Len lỏi vào khu vực rừng tràm, ông Đảo dùng tay cào xới lớp đất mặt khô rang xem những lớp thực bì khô nằm trên mặt đất và cho biết thêm: “Hiện nay một số tuyến kênh mương, nước rút xuống sâu khiến mặt đất bị khô. Thời gian qua đã xuất hiện một số cơn mưa trái mùa rửa trôi lớp phèn bám trên thực bì, khi gặp nắng nóng trở lại thì lớp thực bì rất dễ bén lửa và cháy lan với tốc độ nhanh rất khó dập tắt, từ đó dẫn đến cháy rừng. Chỉ cần mẩu thuốc lá cháy dở vứt xuống thôi cũng có thể xảy ra chuyện lớn”.


Dốc toàn lực lượng bảo vệ


Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn về việc phòng cháy, chữa cháy rừng.


Bộ trưởng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai ngay các biện pháp như: Chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR. Chỉ đạo các lực lượng liên ngành kiểm lâm, công an, quân đội thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện công tác PCCCR của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức trên địa bàn. Tăng cường quản lý việc canh tác nương rẫy gần rừng hay trên diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong thời điểm khô hạn, cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt lửa. Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch. Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án PCCCR ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày. Bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa. Phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.


Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ trên 12.000 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn. Ông Nguyễn Tấn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Hiện nay toàn tỉnh có 3 địa điểm là Bắc Dinh Bà, Tây Dinh Bà thuộc rừng phòng hộ biên giới và khu vực Gò Tre thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim dự báo cháy rừng cấp 4 là cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn do không có mưa, nắng nóng. Ngành kiểm lâm đề nghị các chủ rừng không chủ quan, tăng cường công tác tuần tra, phân công trực 24/24 giờ đề phòng cháy rừng”.


“Bốn tại chỗ”


Với thời tiết nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng tại Vườn quốc gia Tràm Chim rất cao. Do vậy, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết: “Vườn đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ ở 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh; trang bị sẵn la bàn, máy định vị, hàng chục máy cưa, máy cắt cỏ, máy bơm nước, 14 máy chữa cháy, hàng trăm bình xịt chữa cháy, cùng bàn cào dập lửa, lăng phun nước với hơn 14.000 m dây chữa cháy... Vườn tận dụng hệ thống các kênh Đồng Tiến, Cà Dăm, Phú Đức, Lung Bông, Nông Trường, Phú Thành... các kênh nội bộ chạy cặp theo hệ thống đê bao và các lung, đìa sẵn sàng trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng”. Bên cạnh đó, vườn còn tổ chức dọn vệ sinh các bờ bao, bờ kênh, tỉa thưa rừng, đắp đập chủ động điều tiết nước hợp lý để giữ ẩm, nạo vét thông thoáng các kênh mương, đốt cỏ chủ động trong và ven rừng, sử dụng máy cày trục làm đường băng trắng phòng cháy rừng. Vườn cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân sống quanh vùng đệm về công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng. Đặc biệt, vườn tăng cường công tác tuần tra bảo vệ, ngăn chặn kịp thời những người xâm nhập trái phép.


Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Năm nay, tỉnh đầu tư kinh phí gần 7 tỷ đồng cho công tác phòng chống cháy và bảo vệ rừng. Kế hoạch “4 tại chỗ” đã được các chủ rừng, đơn vị lâm nghiệp triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn lâm phần, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra. Hàng ngày đều tổ chức báo cáo liên tục từ các đơn vị cơ sở lên chi cục để có chỉ đạo kịp thời trong mọi tình huống”. Hiện các huyện có rừng, đơn vị lâm nghiệp đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm với nhiệm vụ dập tắt kịp thời, không để cháy lan nếu có phát sinh đám cháy. Lực lượng kiểm lâm cơ động tổ chức tuần tra thường xuyên, liên tục. Theo đó, toàn tỉnh đã có hơn 200 tổ, đội với quân số 5.000 người tham gia phòng chống cháy rừng. Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã áp dụng các biện pháp lâm sinh như khoanh vùng trọng điểm, gia cố hệ thống đê, đập, giếng, bơm nước, nạo vét, làm sạch kênh mương để đảm bảo lưu thông thông thoáng cho phương tiện tuần tra, chữa cháy, tạo đường băng xanh cản lửa. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đóng cửa rừng những khu vực trọng yếu, nguy cơ cháy cao và tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng, tập trung vào những đối tượng dân cư đang sinh sống xung quanh rừng.


Từ đầu mùa khô đến nay, các tỉnh có rừng đã ban hành lệnh cấm tuyệt đối các trường hợp tự ý vào rừng quốc gia, kiên quyết xử lý mạnh tay với những trường hợp tái phạm nhiều lần. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL còn chỉ đạo các địa phương tăng cường cắm các biển báo xung quanh rừng, tăng tính trực quan để người dân hiểu, từ đó tăng cường ý thức trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Bài và ảnh:Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN