Các chương trình cho vay như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhà ở cho hộ nghèo… đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.
Đòn bẩy giúp hộ nghèo
Được hỗ trợ vay 35 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành ở xã Chánh Hội, huyện Mang Thít đã đầu tư nuôi 2 con bò. Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, anh Thành còn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò tại nhà nên đàn bò phát triển tốt. Thông qua việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình có động lực để làm ăn, nhờ đó vươn lên thoát nghèo.
Anh Thành chia sẻ, gia đình mong muốn được vay thêm 40 triệu đồng nữa để thuê đất trồng cỏ và phát triển thêm đàn bò.
Theo ông Lê Hoàng Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, các chính sách ưu đãi của Chính phủ về tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, trở thành đòn bẩy giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đạt trên 37,8 tỷ đồng với 3.114 hộ dư nợ.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi... cho đồng bào dân tộc. Thông qua các chương trình cho vay, các hộ nghèo đồng bào dân tộc đã có được số vốn để đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hộ còn tích cực tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng giúp nhau kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh để thoát nghèo.
Điển hình như ông Thạch Tùng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Năm 2017, ông được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi 42 triệu đồng và dùng số tiền này đầu tư nuôi một con bò, làm chuồng trại, mua rơm. Sau gần 2 năm chăm sóc, ông bán con bò với giá 50 triệu đồng. Số tiền lãi có được gia đình ông tiếp tục đầu tư nuôi thêm 3 con bò, hiện nay đang trong quá trình phát triển tốt. Với nỗ lực làm ăn, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và được chính quyền địa phương đánh giá một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng cho biết, chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học do gia đình khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, thông qua nguồn vốn đã tạo động lực cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhiều mô hình, dự án làm ăn hay được nhân rộng, góp phần giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững như: Mô hình chăn nuôi bò, trồng bưởi da xanh, nuôi ba ba, trồng chôm chôm…
Qua các chương trình đã góp phần giúp cho hơn 20.000 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho 5.615 lao động, giúp cho 4.412 học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập, hơn 70.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, 883 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay xây nhà…
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn
Mặc dù chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng cao nhưng theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình. Tại một số nơi, các tổ chức nhận ủy thác chưa bao quát toàn diện đến các công đoạn được ủy thác, nhất là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn dẫn đến chất lượng hoạt động của các tổ không đều, khả năng quản lý vốn chưa cao.
Ngoài ra, việc xử lý nợ đối với các trường hợp cả gia đình hộ vay bỏ địa phương đi làm ăn xa hoặc bán nhà đi khỏi nơi cư trú gặp nhiều khó khăn; một số trường hợp học sinh sinh viên vay vốn khi ra trường chưa có việc làm hoặc không có ý thức trả nợ.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng, trong thời gian tới, ngân hàng phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp; tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nông thôn mới... Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng chính sách của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các đơn vị có chất lượng còn thấp hoặc chưa ổn định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của tín dụng chính sách; tích cực phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương trong đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn trong năm để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; phối hợp các địa phương, các tổ chức nhận ủy thác hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch trong việc bình xét...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các Hội đoàn thể phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ cơ sở; phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai tập huấn, truyền thụ những kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để người vay sử dụng vốn hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng phối hợp với địa phương, các tổ chức nhận ủy thác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, tấm gương hộ nghèo vay vốn làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo để các hộ khác cùng phấn đấu vươn lên.