Nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Su (ảnh), dân tộc Hrê, ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã sưu tầm và chế tác được nhạc cụ Tà Vỗ của dân tộc Hrê, rất độc đáo, được làm từ đất sét. Chính vì vậy, ông được đồng bào Hrê trân trọng gọi là người “vắt đất ra nhạc”.
Nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Su năm nay vừa tròn 70 tuổi. Sinh ra và lớn lên tại Làng Ec, thôn Tà Pa, xã vùng cao Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, năm 13 tuổi, Đinh Ngọc Su bắt đầu tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Sau khi về hưu ông được tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thượng. Nay tuổi cao sức yếu, ông giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tà Pa.
Ông Su tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Sơn Thượng, nơi luôn có giai điệu âm thanh réo rắt, nhộn nhịp như mời gọi bạn đến nhà. Ngay từ lúc còn bé, bản thân tôi đã say mê, thích thú với những làn điệu dân ca của quê hương, những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Nhờ được cha mẹ truyền dạy cách biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Hrê, được nghe các lớp cha anh biểu diễn các loại đàn a khung, prot, krâu, vút, ngói, ra ngoáy... những âm thanh của các nhạc cụ cứ vang vọng, lúc líu lo như tiếng chim gọi bầy, lúc mênh mang như gió rừng chạy dài trên vách núi của rừng núi đại ngàn, cũng có lúc êm dịu trữ tình như những bản tình ca ca ngợi tình yêu và mùa vàng ngay trên quê hương đã cuốn hút tôi mê say tự lúc nào... Từ đó, tôi dần dần học hỏi, chế tác các nhạc cụ truyền thống và nuôi dưỡng ước mơ truyền dạy các nhạc cụ truyền thống ấy cho con cháu”.
Từ trước đến nay, ngoài việc thực hiện công tác của cơ quan phân công, ông luôn dành thời gian để nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ dân tộc và chế tác một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê. Đặc biệt là nhạc cụ Tà Vỗ. Nghệ nhân Đinh Ngọc Su cho biết: Tà Vỗ là loại nhạc cụ đơn giản nhưng rất khó làm để có được âm thanh hay, vì nguyên liệu làm nhạc cụ này chỉ là đất sét được nhào thật nhuyễn, sau đó nắn thành hình như quả cau, to bằng trứng vịt, cắt thành 2 mảnh, dùng dao hoặc cây nhọn khoét rỗng ruột sau đó hai mãnh đất áp lại, khoét một lỗ thổi, một lỗ thông hơi và ba lỗ điều chỉnh âm tiết cao thấp theo ý đồ của người thổi, sau đó đưa ra phơi nắng nhiều ngày cho thật khô, thế là hoàn thành sản phẩm nhạc cụ Tà Vỗ. Nhạc cụ Tà Vỗ thường được trẻ em sử dụng nhiều nhất là vào thời điểm lúa trên nương rẫy vừa thu hoạch xong, bên những nương lúa chỉ còn trơ gốc rạ, lũ trẻ lùa trâu ra đồng, để trâu gặm cỏ, vừa chăn trâu, vừa thi thổi Tà Vỗ. Còn đối với người lớn, âm thanh ấy là nỗi lòng của đồng bào Hrê hiền lành, chất phác, hồn nhiên, là lời nhắn gửi, thăm hỏi chân tình giữa những người thân trong gia đình, giữa những người dân trong bản làng, âm thanh của Tà Vỗ như một bản tình ca về tình yêu quê hương đất nước.
Hiện nay trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, nhất là các loại nhạc cụ hiện đại ngày càng nhiều và đang lan tỏa đến mọi miền quê, kể cả vùng núi cao quê ông, các loại nhạc cụ mới phần nào ảnh hưởng đến văn hóa của dân tộc tại địa phương. Trước thực trạng đó, không dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của cha ông, trong nhiều năm qua ông Su đã chủ động đến các trường tiểu học, trung học cơ sở của xã và một số xã trong huyện, liên hệ với Ban Giám hiệu nhà trường, để truyền dạy cách chế tác, sử dụng và biểu diễn các loại nhạc cụ cho các em học sinh, nhất là nhạc cụ Tà Vỗ. Đến nay riêng tại xã Sơn Thượng quê ông đã có trên 35 em học sinh là con em dân tộc Hrê biết chế tạo và biểu diễn thành thục các nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Hrê.
Nghệ nhân Đinh Ngọc Su là tấm gương tiêu biểu của đồng bào Hrê đã góp phần lớn tại địa phương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm