Người nông dân “Thần tài” nông nghiệp

Tết năm trước khi tới nhà một người thân chúc Tết, tôi ngỡ ngàng khi thấy ở sân có cây bưởi mà trên đó có 5 loại quả gồm: bưởi, cam, quýt, phật thủ, chanh. Tôi hỏi chủ nhà: “Ông dùng keo 502 để gắn các quả khác vào cây bưởi Diễn à”? Chủ nhà ậm ờ: “Mình gắn cây này hết cả chục triệu đồng keo con voi ấy”. Thấy vậy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông tiếp: “Thôi, ngắm lại kỹ đi rồi vào nhà uống nước nói chuyện sau”.

Ông Giáp ghép quả vào cây.

Khi đã yên vị, sau câu chúc Tết và nâng chén trà mừng Xuân, chủ nhà e hèm nói: “Ông nói cây ngũ quả kia ghép bằng keo 502 đúng không, sau đây khoảng cỡ cuối tháng giêng tới xem nếu quả trên cây vẫn còn tươi, tôi phạt ông chai bảy nhăm đấy”. Lúc này ông mới thú thật đã mua cây cảnh này hết chục triệu và chở về vào ngày 25 Tết. Mong rằng có cây ngũ quả sẽ cho tài lộc, cát tường vào năm nay. Ông cũng cho hay: Cuối năm sẽ tiếp tục mua cây ngũ quả, thậm chí thất quả, nếu bạn muốn tôi giới thiệu địa chỉ để tới đó tìm hiểu.

 

Theo chỉ dẫn, vào tháng 10 âm lịch tôi tìm về mảnh vườn có cây ngũ quả ở xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. Chủ nhà là ông Lê Văn Giáp. Khi chúng tôi tới, ông Giáp đang ghép quả trong vườn, người nông dân 60 tuổi ấy vừa ghép những quả phật thủ vào cây chủ vừa kể những đoạn trường để có kết quả hôm nay.


Quê ông gần Bình Đà (Thanh Oai). Gia đình ông đông con, hai trai, hai gái, thiếu ăn, thiếu tiền học cho các con nên ông bà làm mọi thứ nghề, từ buôn hoa quả đến làm thuê. Do buôn hoa quả dịp sắp Tết, ông sang tận Văn Giang, Hưng Yên mua hoa quả, thấy vườn cam Canh của các gia đình trĩu quả rực đỏ, ông nghĩ tại sao mình không biết trồng loại cây cho quả. Ông bàn với gia đình bỏ trồng lúa, đôn diện tích 1.000 m2 trồng cam, ai cũng gàn bởi thấy ông chưa có kiến thức và kinh nghiệm, ông vẫn quyết làm.

Cây ngũ quả.

Thế rồi thất bại, ông lại đến Văn Giang học hỏi thêm, đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, tự tìm ra giải pháp phải khử độ pH của đất ngập nước đồng chiêm, bằng cách rải vôi bột và tro rơm rạ, rồi cây cam Canh cho quả có thu hoạch. Ông bắt đầu thuê đất của bà con, mở rộng diện tích trồng cam và chọn cây giống, chăm sóc tốt và thực hiện các biện pháp tiện gọt thân cây với độ sâu hợp lý gây ảnh hưởng nhất định đến sự trao đổi chất khiến cây phát triển trái với tự nhiên vốn có nên chỉ một năm đã cho quả (bình thường phải 4 năm cam Canh mới cho thu hoạch).


Ông được bà con trong vùng suy tôn là “Vua cam Canh”, ông sẵn lòng nói kinh nghiệm cho người trồng cam Canh của nhiều vùng.


Từ 2002 đến 2005, ông và gia đình tạo cho cây cam, cây bưởi có giá trị hơn bằng cách chăm sóc, cắt tỉa thành cây cảnh chơi Tết.


Đến 2005 - 2006, ông Giáp lại nảy sinh ý tưởng ghép các loại cây có múi lại với một cây chủ để ra cây ngũ quả, tưởng như một điều không tưởng khi mà các kỹ sư nông nghiệp, các trại giống cây trồng nổi tiếng của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chưa làm được.

Vườn cây đã ghép quả.


Nghĩ rồi thực hiện, suốt 3 năm liền ông thất bại bởi ghép quả vào cây sống được, nhưng thời điểm từng loại quả chín lại khác nhau, nên không thể đủ 5 quả vào dịp Tết, chỉ còn 3, thậm chí 2 loại quả trên cây, lại suy nghĩ, tính toán sau quá trình quan sát vườn nhà, thấy rằng việc ra hoa, ra quả, quả chín của từng loại khác nhau, ông ghi chép vào sổ sách. Đến năm 2009 thành công bằng cách ghép quả vào các thời điểm khác nhau: ví dụ cam Canh, bưởi Diễn ghép vào tháng ba hoặc tháng tư, tháng năm; đầu tháng 6 ghép cam đường, chanh, tháng 7 ghép cam Malaysia, tháng 10, 11 ghép phật thủ. Thực hiện chu trình đó ông đã có được cây ngũ quả rộ màu vào dịp Tết, có thể ông cho một loại quả còn xanh để mọi người thấy còn lộc dài dài.


Theo ông, thời gian kể từ khi chọn cây chủ, tiến hành ghép đến khi cho thu hoạch là một năm, cây ngũ quả sẽ giữ được màu sắc hương vị hết tháng giêng thậm chí ba tháng sau Tết.


Chọn cây chủ phải có một bộ rễ chùm khỏe, khi ghép quả vào cành cũng phải tính để cành đó chịu được độ nặng và chuyển đủ chất cho quả. Ví dụ: cây chủ là cây bưởi Diễn, các loại quả như quất, cam Canh, chanh cành nhỏ cũng được, nhưng phật thủ phải có cành to chắc khỏe. Nếu cây chủ là cam, khi ghép quả bưởi phải chọn cành to khỏe và quả phải có giá, túi treo đỡ trọng lượng.


Tết năm 2012, 2013 vừa qua ông Giáp ghép được khoảng 50 cây ngũ quả bán ra thị trường vào dịp Tết. Khách mua cây ngũ quả ở Hà Nội và các tỉnh lân cận về chọn và đặt tiền trước cả tháng, có cả cây đã được chuyển vào Nam, ra đảo Trường Sa, lên đồi A1 Điện Biên Phủ. Giá cũng tùy vào từng cây nhiều quả to nhỏ, thế cây, nên có cây 3 đến 5 triệu đồng, có cây chục triệu và đến cỡ hai chục triệu, khi người chơi ưng ý. Chúng tôi nhẩm tính, đã là cây cảnh thì đâu phải ở giá trị đơn thuần, một cây đào thế Nhật Tân vào dịp Tết được thuê với giá 10 -15 triệu đồng, một cây quất có tán đẹp, quả mọng có hoa có lộc cũng đôi triệu thì cây ngũ quả có giá trên cũng là hợp lý.


Ông Giáp cho biết, Tết Giáp Ngọ này ông đã cho ra lò được cây lục quả, thất quả và ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người làm vườn để có nhiều người ghép được cây ngũ quả, biết đâu không chỉ là loại cây quả có múi mà các loại quả khác cũng ghép được với nhau.


Duy Tường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN