Sau đêm giao thừa, sáng mùng một Tết, đồng bào Mông Tây Bắc đoàn tụ gia đình để tiến hành một nghi lễ rất thiêng liêng được duy trì từ bao đời nay mỗi khi Tết đến xuân về. Đó là lễ cúng cầu may sáng mùng một Tết. Tết truyền thống của người Mông Tây Bắc diễn ra vào đầu tháng 12 âm lịch. Đã thành thông lệ, cứ đầu năm âm lịch của người Mông, đồng bào Mông ở bản Nặm Bó xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) lại tiến hành một lễ cúng ngay tại gia đình mình. Người Mông nơi đây gọi đó là lễ Sau su. Trước đây, nghi lễ này được tổ chức theo dòng họ nhưng những năm gần đây được tổ chức theo từng gia đình. Là ngày đầu tiên của năm mới nên đồng bào Mông chuẩn bị rất chu đáo để có một lễ cúng tươm tất, thiêng liêng.
Sau nghi lễ, thầy cúng trao con gà giống cho người phụ nữ trong gia đình để mong năm mới sinh sôi phát triển. |
Mục đích tổ chức lễ Sau su của đồng bào Mông là xua đuổi tà ma, cầu may mắn, no ấm trong cả một năm rồi cả gia đình đoàn tụ ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới. Nghe qua có vẻ như cũng giống như lễ cúng của nhiều dân tộc khác nhưng lễ Sau su của đồng bào Mông Nặm Bó khá độc đáo từ khâu chuẩn bị, tiến hành cho đến các nghi thức trong bài cúng.
Để có một lễ cúng trang trọng, gia đình người Mông trước Tết phải chuẩn bị những đồ cúng như gà, giấy đỏ, hạt ngô giống, rượu, ống tre, hương thơm và không quên mời một thầy cúng có tiếng trong bản hay ở bản khác đúng giờ ấy sáng mùng một sẽ đến cúng cho gia chủ. Lễ vật chính trong lễ Sau su là hạt ngô, thóc, kê, đậu tương, một ống nứa dài khoảng 20 cm, giấy đỏ, tím vàng, xanh, trắng, 3 ngọn cây chít có buộc 3 sợi chỉ đỏ và một con gà nhỏ, một bát nước sạch. Gia đình tổ chức lễ cúng chuẩn bị từ chiều hôm 30 Tết vì mùng một kiêng các vật dụng như dao, kéo hay hành động cắt xé.
Thầy cúng cầm cây chít xanh xua đuổi tà ma khi đọc bài cúng Sau su. |
Lễ cúng Sau su chính thức tiến hành vào buổi sáng tinh mơ ngày mùng một Tết Nguyên đán và kết thúc ngay sau đó khoảng một tiếng đồng hồ. Chuẩn bị làm lễ thì cả nhà đứng tập trung chính giữa nền nhà và đóng cửa lại, thầy cúng ở ngoài gõ 3 lần cửa và hỏi thì gia chủ mới mở cửa đón thầy vào nhà. Thầy nhìn thấy giữa nhà là cả gia đình còn xung quanh là các mảnh giấy xanh, đỏ, tím vàng… Thầy cúng bắt đầu cầu khấn, hát văn kết hợp dùng các hạt ngô, thóc, kê.. ném vào các góc nhà, trên gác, trong giường xua đuổi tà ma, bệnh tật, những tai hại đi ra khỏi nhà gia chủ và cầu xin thần linh bảo vệ cho gia đình thoát hẳn khỏi sự quấy phá của ma tà.
Cắt giấy màu để trang trí ban thờ. |
Kết thúc lễ cúng, một người khách cầm tất cả các vật trên đi vùi lấp. Người dân tin rằng, càng vùi sâu thì gia đình sẽ càng gặp may mắn hơn. Cùng đó, thầy cúng dùng bát nước cúng vẩy nước lên mọi người trong nhà để rửa sạch các bệnh tật, tai nạn và tà ma làm hại gia đình. Sau lễ cúng, cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên bếp lửa để cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm mới, bàn về những dự định trong năm mới.
Sau su là một nghi lễ hết sức đặc sắc và độc đáo của người Mông Nặm Bó mỗi khi Tết đến xuân về. Lễ cúng cũng tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa, thấm đượm các giá trị nhân văn vì một gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng