Người dân nhiều xã vùng biên ở Lai Châu đi hàng chục cây số để lấy nước sinh hoạt

Nhiều năm nay, việc thiếu nước sản xuất và sinh hoạt đối với người dân các xã vùng biên của tỉnh Lai Châu đã trở nên phổ biến. Người dân nơi đây xem việc mang can đi hàng chục cây số lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt như công việc thường ngày.

Chú thích ảnh
Các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang hàng ngày phải dậy từ 4-5 giờ sáng và đi khoảng 4km đường đề lấy nước tại những mó nước đã được đào sẵn.

Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ có 10 bản với 514 hộ, 3.006 nhân khẩu và 655 học sinh ăn, ở bán trú trong các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú trên địa bàn. Nhiều năm qua, do nguồn nước khan hiếm, các dự án cung cấp nước cho nhân dân chưa được đầu tư; cuộc sống sinh hoạt của bà con cũng như thầy và trò tại các trường học bán trú nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. 
         
Hàng ngày, để có nước phục vụ sinh hoạt, người dân, các thầy cô giáo phải dậy rất sớm, đi hàng chục cây số tìm các mó nước hoặc lấy nước chảy từ các khe núi xuống. Chị Cớ Thị Dung, bản Xin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ chia sẻ: Cuộc sống của bà con ở đây gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Hàng năm, chúng tôi chỉ trông chờ vào trời mưa mới có nước dùng, còn không thì hàng ngày mọi người trong gia đình thay nhau đi lấy nước. Sáng đi lấy nước một lần, tối lại phải đi lấy một lần nữa nên rất vất vả. Rất mong Nhà nước hỗ trợ, đầu tư hệ thống cấp nước để bà con không vất vả thêm nữa.
         
Thầy Vàng Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang cho biết, hàng ngày các thầy cô giáo trong trường phải dậy từ 4-5 giờ và đi hơn 4 km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt cho học sinh ở bán trú. Tuy nhiên, nguồn nước ở đây tìm rất khó khăn và hạn hẹp, đặc biệt vào mùa khô. Nhà trường cũng đã kết hợp với chính quyền địa phương đi tìm và đào các hố sâu ở những điểm có nước chảy từ khe suối xuống để dự trữ cung cấp cho học sinh.

“Mong muốn lớn nhất của thầy và trò nhà trường là được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành của tỉnh chung tay hỗ trợ tìm nguồn nước và xây dựng hệ thống cấp nước cho xã Mù Sang và nhà trường, để có nước sạch chăm lo cho các em học sinh”, thầy Vàng Văn Hưng bày tỏ.

Chú thích ảnh
Các em học sinh ở bán trú trong Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang phải sử dụng nước rất tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày.

Tại xã Mù Sang, mỗi năm có 8/10 bản thiếu nước trong khoảng 7 tháng. Không có nước, người dân phải mang can đi xa từ 4 - 10 km lấy nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Hàng năm, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng các đề án, dự án cấp nước đến thời điểm này vẫn nằm trên giấy. Người dân vẫn đang hàng ngày mong ngóng, chờ đợi và khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt cũng như nước phục vụ sản xuất.
         
Ông Hảng A Dao, Chủ tịch HĐND xã Mù Sang cho biết, nhiều năm nay trên địa bàn xã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Thực hiện chương trình Nhà nước hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho bà con vùng biên để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhưng khi đưa cây vào trồng lại không có nước tưới, khiến cây trồng và vật nuôi không sinh trưởng và phát triển được. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, bà con mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc cấp nước sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống.
         
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Bùi Văn Sơn, Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã như Mù Sang, Vàng Ma Chải... xảy ra đã nhiều năm nay. Trong thời gian qua, các đoàn công tác của huyện cũng như của tỉnh đã đi khảo sát và đưa ra nhiều giải pháp để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân như đào các mó nước nhỏ, xây dựng các hệ thống bể tích nước... Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn, về tổng thể lâu dài vẫn gặp nhiều khó khăn.
         
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm, năm 2017 và 2018, UBND tỉnh Lai Châu đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Phong Thổ đến địa bàn các xã vùng biên để tiến hành khảo sát, kiểm tra và đưa ra các phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao. Theo đó, năm 2018, huyện đã lập dự án cấp nước và trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định. Đến nay (năm 2019), dự án đang trong giai đoạn thẩm định. Thời gian tới, các xã vùng cao biên giới sẽ đảm bảo được nước sinh hoạt.

Bài và ảnh: Công Tuyên (TTXVN)
Những mô hình thoát nghèo ở vùng biên 
Những mô hình thoát nghèo ở vùng biên 

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là hộ bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã và đang từng bước thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN