Đâu đâu cũng ngút ngàn màu xanh của cây lá, thấp thoáng xa xa những mái ngói mới đỏ tươi, khẳng định một một sức sống mới ở vùng biên cương của Tổ quốc.
Tới thăm gia đình ông Phùng Văn Sláy, dân tộc Nùng, bản Nà Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, được nghe ông kể rằng, buổi sáng 17/2/1979, khi ấy ông mới 17 tuổi, nghe mẹ gọi thất thanh, còn chưa tỉnh ngủ, bỗng tiếng pháo kích từ bên kia biên giới bắn sang rung chuyển cả núi rừng. Mẹ ông kêu gào 6 anh em ông dắt díu nhau chạy thục mạng xuống xã. Chạy loạn nên không mang theo được gì, toàn bộ đồ đạc, lương thực, thực phẩm, vật nuôi đều phải bỏ lại. Đến xã, cả nhà ông mới biết cha của ông đã hy sinh ngay trên chốt gác tiền tiêu trong loạt đạn pháo đầu tiên của đối phương. Dẫu đau thương bất ngờ sập xuống, nhưng cả gia đình ông vẫn phải theo đoàn người sơ tán về tận Bắc Giang.
Hơn một tháng sau, gia đình ông lại bồng bế nhau ngược đường, về sống tạm ở trung tâm xã. Năm 1989, cùng với 27 hộ sơ tán trước đây, gia đình ông quay lại bản Nà Phát tìm nhà, tìm ruộng của mình. Tất cả đã hoang tàn, trơ trụi, không thể nhận ra được chỗ mà chính họ đã sinh ra, lớn lên, đời đời tiên tổ của họ vốn đã định cư bền vững. Việc đầu tiên mà những người dân phải cảnh giác là phát hiện, đánh dấu những vị trí nghi ngờ còn bom, mìn cài lại, sau đó dựng tạm căn nhà để sinh sống.
Bản Nà Phát hiện có 35 hộ sinh sống, đều có nhà kiên cố, không có hộ nghèo. Đường bê tông chạy dài 7 km từ Ủy ban nhân dân xã lên tận bản. Tất cả trẻ em trong bản đều được đến trường, cách nhà chỉ khoảng 2 km. Cuộc sống ở Nà Phát hôm nay cho thấy, chiến tranh có thể phá hủy nhiều thứ, nhưng không thể triệt tiêu được khát vọng độc lập, mưu cầu hạnh phúc của con người.
Năm 1999, thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 338 làm nòng cốt xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nà Phát là một trong 231 thôn, bản, nằm trên địa bàn 20 xã của 5 huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, gồm các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định và Cao Lộc, trong đó có 65 thôn, bản thuộc 16 xã biên giới.
Đại tá Nguyễn Văn Hữu, Phó đoàn trưởng Đoàn KTQP 338 cho biết: Đoàn có nhiệm vụ cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch, bố trí lại dân cư; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn chiến lược phía Bắc của Tổ quốc.
Từ năm 2000 đến nay, Đoàn 338 đã dành 1/3 tổng giá trị của Dự án cho việc làm mới 8 tuyến đường giao thông liên xã, liên bản với chiều dài hơn 32 km; đồng thời làm thêm hàng loạt đường nhánh để thuận tiện cho sản xuất, tuần tra, chăm sóc rừng phòng hộ.
Cùng với đó, Đoàn 338 đã triển khai xây dựng 14 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 33 km kênh mương, có thể tưới cho gần 500 ha lúa nước. Trong đó, các hồ chứa nước Cao Lâu, Nặm Thíu, các đập thủy lợi Bản Lầy, Tắp Tĩnh, Khuổi Lý, Khuổi Cáy, Bản Khén và Khiêng Lạn đều có khả năng cung cấp nước tưới cho hàng chục ha cây trồng, bảo đảm cho đồng bào sản xuất từ một vụ lên hai vụ/năm.
Đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình thủy lợi, nên có nhiều đập dâng tự chảy, tiết kiệm được chi phí bơm nước, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm nước cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào một số bản xa nguồn nước, Đoàn đã hoàn thành 7 công trình cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho hàng ngàn người dân.
Những công trình hạ tầng cơ sở đã nhanh chóng đổi thay vùng Kinh tế-Quốc phòng Mẫu Sơn. Đồng thời với quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, Đoàn 338 phối hợp chặt chẽ với địa phương quy hoạch 7 điểm dân cư tập trung, di giãn 121 hộ với 625 nhân khẩu thuộc các bản Pò Nhùng, Bắc Lệ, Nà Lầm, Phạ Tầm, Song Phe, Co Sâu và Nà Phát, qua đó đã hình thành các thôn, bản mới sát biên giới, góp phần vững chắc “phên giậu” bảo vệ Tổ quốc.
Tới thăm Bản Co Sâu, thuộc thôn bản Vàng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, được tái lập năm 2015 nằm ven đường biên, sát với lối mở Co Sâu - Pác Sắn, chúng tôi được Trưởng thôn Phạm Văn Phục cho biết: Bản Co Sâu có từ trước đây nhưng do sự cố biên giới nên người dân di cư sâu vào nội địa. Để tái lập bản, Nông-Lâm trường 196 thuộc Đoàn 338 đã hỗ trợ hầu hết các điều kiện thiết yếu cho người dân như điện, đường bê tông, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa… mỗi hộ dân xây dựng nhà lại được hỗ trợ 30 triệu đồng.
Anh Hà Trọng Nghiệp ở bản Co Sâu phấn khởi tự tin: "Bản mới, hạ tầng mới, tư liệu sản xuất mới, chỉ sợ mình không có sức mà làm giàu thôi". Anh Nghiệp khoát tay chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang với lá cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng trên cây nêu ngày Tết tươi rói phấp phới bay nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Một nhiệm vụ quan trọng của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338 là giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Sau khi khảo sát địa bàn, Đoàn đã lựa chọn cây thông Mã vĩ làm cây chủ lực vì đây là loại cây dễ trồng, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên năng suất nhựa cao, bán được giá.
Đến nay, Đoàn đã sản xuất được gần 10 triệu cây giống, cung cấp và hướng dẫn nhân dân trồng mới hơn 3.840 ha rừng. Ở giai đoạn đầu, nguồn thu từ tiền công trồng mới và chăm sóc gần 3.500 ha rừng phòng hộ, hàng trăm ha rừng tái sinh cũng đã giúp đồng bào trong vùng dự án từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm làm ăn trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Ông Chu Văn Trường, thôn Pò Phấy, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, cho biết: "Mỗi cây thông cho sản lượng khoảng 3 kg nhựa/năm. Với giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi cây cho khoảng 100.000 đồng/năm. Mỗi ha thông có 1.650 cây, tính ra một năm thu khoảng 150 - 160 triệu đồng/ha. Gia đình tôi có 5 ha cây thông mã vĩ đang độ thu hoạch nên mỗi năm cũng thu được trên 800 triệu đồng".
Năm 2017, riêng nguồn thu từ khai thác nhựa thông của nhân dân các xã vùng dự án huyện Cao Lộc ước tính đạt trên 45 tỷ đồng.
Ông Hoàng Tiến Thụ ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, là cựu sĩ quan của Trung đoàn 196 (Đoàn 338) tự hào: Nông lâm trường 196 mà tiền thân là Trung đoàn 196 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả 2 thời kỳ. Bây giờ Nông lâm trường vẫn cùng một ý chí với nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với trồng rừng, Đoàn 338 thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi; xây dựng các mô hình điểm về trồng lúa nước, ngô lai, xoài, trám, măng Bát Độ, nuôi lợn nái, lợn thịt, bò sinh sản… để đồng bào tham quan, học tập. Hiện các mô hình sản xuất đã phát huy tác dụng, nhiều hộ gia đình đã thực sự thoát nghèo.
Đại tá Nguyễn Văn Hữu, Phó đoàn trưởng đoàn KTQP 338 khẳng định: Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn triển khai, đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nên một diện mạo mới cho vùng dự án, có hướng phát triển vững chắc, khả thi. Các thôn, bản đều có trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, đường giao thông và công trình thủy lợi, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Việc vận động nhân dân đến định cư ở các thôn, bản dọc biên giới đạt được kết quả tích cực, tạo nên những “cột mốc sống” nơi phên dậu Tổ quốc. Các cơ sở chính trị được củng cố, quốc phòng - an ninh được tăng cường đã giữ vững sự ổn định chính trị, ngăn chặn kịp thời các điểm nóng, nhạy cảm, giảm các vi phạm quy chế đường biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đi dọc tuyến đường tuần tra biên giới, chúng tôi "mãn nhãn" trước màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng thông Mã vĩ, đâu đó điểm xuyết những bản làng mới được thành lập với mầu cờ Tổ quốc đỏ tươi trên những nếp nhà khang trang. Chính những người anh hùng đã từng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc khi xưa, giờ đây các anh đang góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang, mang lại sắc thái mới, diện mạo mới, sức sống mới nơi địa đầu biên cương yêu dấu.