Thỏa thuận chấm dứt bạo lực giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh phe đối lập ngày 20/2 đã sụp đổ ngay lập tức khi người biểu tình tiếp tục có hành động quá khích, dẫn đến các cuộc đụng độ trên đường phố thủ đô Kiev khiến hàng chục người nữa thiệt mạng.
Bạo lực đẫm máu
Sáng 20/2, vài nghìn người biểu tình vẫn cố thủ ở quảng trường Độc lập, ném bom xăng và đá vào cảnh sát khiến lực lượng này phải đáp trả bằng lựu đạn mù và đạn cao su. Hàng trăm người biểu tình vũ trang đã tấn công hàng rào cảnh sát, đẩy lùi họ ra xa khoảng 200 mét. Cảnh sát cáo buộc một tay súng bắn tỉa đã bắn đạn thật từ cửa sổ một tòa nhà gần đó và làm 20 cảnh sát bị thương.
Xung đột giữa người biểu tình với cảnh sát tại Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP - TTXVN |
Các cuộc đụng độ trong ngày 20/2 đã làm ít nhất 25 người chết và hàng chục người bị thương. Phe biểu tình nói rằng số người thiệt mạng lên đến 60 người. Bạo lực gia tăng buộc các quan chức cấp cao Ukraine đang làm việc trong tòa nhà chính phủ gần khu vực biểu tình phải sơ tán theo lệnh của chính phủ.
Trong khi đó, trên sân khấu ở giữa khu cắm trại của người biểu tình, các diễn giả đối lập thúc giục người biểu tình gia cố rào chắn do lo sợ cảnh sát đáp trả. Hiện tại, người biểu tình kiểm soát hầu hết các rào chắn ở khu vực ra vào quảng trường - nơi đã bị chiếm đóng suốt ba tháng qua và trở thành một thành phố lều trại.
Chiều 20/2, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết người biểu tình đã bắt giữ 67 cảnh sát làm con tin tại thủ đô Kiev. Tuyên bố đăng trên trang web của bộ trên nói rằng "để giải cứu những con tin, cảnh sát có quyền sử dụng vũ khí".
Trước đó, sau cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Yanukovych và phe đối lập, hai bên đã thỏa thuận ngừng bạo lực và bắt đầu tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt đổ máu, ổn định tình hình vì lợi ích của đất nước. Chính quyền Ukraine tuyên bố hủy bỏ kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp còn các thủ lĩnh đối lập cam kết không tụ tập người biểu tình trên quảng trường Độc lập và ngừng tấn công công sở nhà nước.
Các nước cáo buộc lẫn nhau
Trong khi các cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra ở Ukraine, các nước cũng khẩu chiến về việc ai là người chịu trách nhiệm khiến bạo lực leo thang ở Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/2 cáo buộc cuộc biểu tình ở Ukraine là hành động tội phạm của phe đối lập cực đoan nhằm tiếm quyền bằng vũ lực. Nga cho rằng phương Tây là người chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực này.
Cùng ngày, Brazil cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine phải được chính người Ukraine giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Trong khi đó, phương Tây liên tục đổ lỗi cho chính phủ Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng ông hi vọng chính phủ Ukraine kiềm chế, không dùng bạo lực đối phó biểu tình. Mỹ đã phát lệnh cấm cấp visa cho khoảng 20 quan chức Ukraine và những người mà nước này cáo buộc là đứng đằng sau vụ giải tán người biểu tình ở Kiev.
Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị áp đặt biện pháp trừng phạt chính phủ Ukraine. Các biện pháp trừng phạt gồm cấm cấp visa và đóng băng tài sản một số quan chức Ukraine.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế khách quan và kiềm chế khi đánh giá cuộc khủng hoảng ở nước này và phải dựa vào các thông tin đáng tin cậy và có kiểm chứng.
Chiều 20/2, Tổng thống Yanukovych đã tổ chức một cuộc gặp tại Kiev với các ngoại trưởng của 3 nước EU là Pháp, Đức và Ba Lan để tìm kiếm một thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 3 tháng qua. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng do vấn đề an ninh nên cuộc họp phải chuyển địa điểm. Còn hãng AFP dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết cuộc họp thậm chí bị hủy.
Thùy Dương (Tổng hợp)