Ngược ngàn gió chướng bazan

Tây Nguyên mùa này đầy nắng và gió. Những cánh rừng và bạt ngàn cao su đâm chồi nẩy lộc, nhiều loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, mùa của đất đỏ bazan bung hoa cà phê trắng muốt, tỏa hương thơm tinh khiết, ngọt lịm, quyến rũ các loài ong từ muôn nơi tìm về hút mật, làm nên vị ngọt cho đời. Và cơ man nào là những cánh bướm đã rập rờn trong gió báo hiệu mùa nắng đã đến rất gần. Những con đường trải nhựa như một dải lụa vươn mãi ra tới từng buôn làng đất đỏ phía cao nguyên.

 

Với tôi, miền cao nguyên này lúc nào cũng ẩn chứa những điều huyền hoặc kỳ lạ. Con đường 14 là xương sống của mảnh đất này đang vào mùa ngập trong bụi trắng. Dễ có đến 5 năm rồi, từ khi chính thức khởi công, đoạn đường với chiều dài khoảng gần 200 km vẫn chưa đâu vào đâu. Cứ chạy được vài cây số đường bóng láng lại phải sang số, “bò” trên những ổ voi, ổ trâu. Khách trên xe lắc qua lắc lại, xương cốt “răng rắc” theo từng vòng quay của bánh xe.

 

Những con đường trên cao nguyên.


Những ngày tháng 3 trên đất trời cao nguyên, rừng cao su đang trổ lá non xanh mới. Những vườn tiêu mỡ màng trên vùng đất bazan. Hoa blang (pơlang) trên những thân cây cao vút rực lửa để điểm xuyết những chấm đỏ trên bầu trời cao xanh, trong vắt mỗi khi ngẩng mặt ngắm nhìn. Hoa cà phê nở muộn vẫn trắng xóa trên cành. Chẳng biết có quá hay không, khi tôi luôn gọi mùa xuân ở cao nguyên là “mùa xuân trắng”, bởi bạt ngàn màu trắng của hoa cà phê. Hoa cà phê phủ một màu bung biêng trắng, ngào ngạt hương đưa. Có lẽ bất kỳ ai đến cao nguyên mùa này cũng sẽ có được những ấn tượng và xúc cảm vô tình bắt gặp dù chỉ một lần.

Gió sớm trong lành mang hương thơm tràn về khắp phố phường cao nguyên, cho bầy ong rủ nhau đi hút mật, cho mẹ “theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối”. Cho bầy voi gọi nhau “xuống sông hút nước”… nắng lạnh ban ngày và se sắt về đêm. Gió cứ cần mẫn ào ào thổi xuôi một hướng suốt đêm ngày không ngưng nghỉ. Nắng gió nơi đây thật riêng biệt, đặc trưng, khác lạ. Những cơn gió trở mình mà không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây như những cơn gió biển hoang tàn. Gió nơi đây cứ thổi dài mơn man trên đỉnh núi, qua triền đồi, qua mép sông, qua bầu thác. Gió chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng. Tây Nguyên đã vào mùa gió.

 

Những vườn tiêu ở Tây Nguyên mùa này.


Tháng 3 Tây Nguyên, con người như tách hẳn khỏi cuộc sống tất bật hiện đại để đón mùa của thiên nhiên, tình người và lễ hội. Dường như chính thiên nhiên định ra thời điểm này và con người theo đó mà để tình cảm mình nảy nở, công việc và lễ hội cứ thế diễn ra. Thiên nhiên sinh sôi, nảy nở trù phú và con người có anh có em, có mẹ có cha và con cái. Người Tây Nguyên chan chứa tình và tình người, tình thiên nhiên hòa quyện làm một. Khi cây pơlang trổ bông, trời hanh hao nắng, mùa vụ thu hoạch đã xong và cư dân đã sẵn sàng bước vào chu kỳ lễ hội. Tháng 3, tháng 4, sau khi hoàn thành việc trồng tỉa (với lễ cúng jơmul), lúa bắp còn đang cựa mình nảy mầm, khi mưa xuống thì bắt cá, soi ếch, đi săn…


Đây cũng chính là lúc lễ hội của làng diễn ra, cầu mong lúa bắp tươi tốt. Vào thời điểm ấy, tất cả các tháng dương lịch và âm lịch đều không nằm trong “khái niệm” của đồng bào nơi đây. Đồng bào gọi thời gian này là “khei mônh Yuăn” và “khei bar Yuăn”, tức là “tháng 1 và tháng 2 của người Kinh”. Từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn quen gọi đây là thời điểm ning nơng, là tháng nghỉ ngơi.

Ning nơng là thời gian của lễ hội, vui chơi và giao đãi. Đây là thời điểm mà tâm hồn con người rộng mở, thoải mái nhất. Mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát quên cả tháng ngày! Cứ thế mà ning nơng là tất cả. Bao nhiêu chuyện vui buồn của con người dường như đều chờ để được diễn ra một cách đầy đủ nhất vào dịp này. Cúng làng ở nhà rông vui rộn bản làng, bỏ mả ở mảnh đất phía cuối làng chung chiêng âm thanh của núi rừng vang đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới và tưng bừng những lời nói chan hòa, những nụ cười tươi rói như hoa pơlang…


Nếu kơnia là biểu tượng của những chàng trai Tây Nguyên, thì pơ lang là loài hoa của những cô gái, tên gọi của loài hoa này thật đẹp, nó còn có tên khác là hồng miên, mộc miên. Tháng 3 về trên những dòng sông Sê San, sông Đăk Bla, sông Sêrêpôk như con trăn khổng lồ vùng vẫy giữa đại ngàn, hào phóng dâng phù sa cho những cánh đồng màu mỡ. Cao nguyên sẽ bớt oi bức, oằn mình trong nắng gió cháy da ròng rã những tháng mùa khô. Dòng sông lại mang nước mát, tưới cho vạn vật sự sống.


Nhiều người bảo Tây Nguyên bây giờ hình như không còn nhiều huyền ảo như trước nữa, mà đã cạn dần bí ẩn trong tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bếp lửa nhà sàn ở những làng, bon, buôn, plei xưa cũ. Nhưng không, với tháng 3 Tây Nguyên, bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn cao nguyên, với điểm xuyết đan xen một làng M'nông hay Ê Đê, J'rai hay Banah cùng những ngụm tình cảm nặng sâu thấm đẫm nét mộc mạc hiền hòa, cởi mở và da diết của những con người qua nhiều thế hệ vẫn nặng nợ với thiên nhiên.

Ai đã một lần đến với vùng đất đỏ Tây Nguyên vào dịp tháng ba, nhẹ bước êm trên thảm lá đỏ trong rừng Sốp khộp để cảm nhận từng hơi thở của miền cao nguyên lộng gió trong thời khắc biến chuyển của đất trời. Con người ở đây mộc mạc, giản dị, chân thành tạo nên nét văn hóa riêng cho mảnh đất này. Vì thế nên ai đã trót đến nơi đây, đều yêu đắm say không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp của mảnh đất bao la hùng vĩ này.


Bài và ảnh: Gia Ly

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN