Nghi phạm đánh bom Boston không thuộc nhóm khủng bố nào

Dzhokhar Tsarnaev, nghi phạm thứ hai trong vụ đánh bom ở Boston (Mỹ) đã bị buộc tội trên giường bệnh trong lúc sức khỏe vẫn ở trong tình trạng nguy kịch. Kết quả điều tra cho thấy Dzhokhar cùng anh trai là Tamerlan không liên quan tới bất kỳ nhóm khủng bố nào.


Người dân thành phố Boston, Mỹ, tưởng niệm các nạn nhân gần hiện trường vụ đánh bom ngày 22/4/2013.

 

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 22/4 cho biết, Dzhokhar bị cáo buộc hai tội danh sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và cố tình phá hoại tài sản bằng chất nổ chết người. Với những tội danh này, Dzhokhar có thể phải nhận mức án cao nhất là tử hình hoặc tù chung thân. Phiên tòa xét xử đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 30/5.


Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, Dzhokhar sẽ không bị coi là "chiến binh kẻ thù" nên sẽ bị xét xử qua hệ thống tư pháp dân sự. Trước đó, một số nghị sĩ Cộng hòa đã kêu gọi xét xử Dzhokhar giống như nghi can khủng bố bị giam giữ ở vịnh Guantanamo, tức là tại tòa án quân sự.


Trong cuộc trả lời thẩm vấn bằng giấy bút ngày 22/4, Dzhokhar đã khai với các nhà điều tra rằng không có tổ chức khủng bố quốc tế nào đứng sau lưng chúng. Theo hãng tin CNN, Dzhokhar cho biết anh trai hắn là chủ mưu vụ đánh bom vì "muốn bảo vệ người Hồi giáo trước các cuộc tấn công". CNN dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng “các cuộc thẩm tra Dzhokhar bước đầu cho thấy có thể liệt hai anh em nhà Tsarnaev vào diện chiến binh thánh chiến tự cực đoan”.


Chính phủ Tây Ban Nha ngày 23/4 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ hai nghi can có dính líu tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Nghi can thứ nhất là một người đàn ông gốc Angiêri, bị bắt tại tỉnh miền đông Zaragoza và một tên khác là người Marốc bị bắt tại tỉnh miền Murcia. Vụ bắt giữ này nằm trong chiến dịch an ninh phối hợp giữa cảnh sát Tây Ban Nha, Pháp và Marốc. Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, hai nghi can trên có hồ sơ giống với hai nghi phạm vụ đánh bom Boston. Tuy nhiên, những điểm tương đồng đó chỉ dựa trên cách thức hai tên bị “cực đoan hóa” khi xuất hiện trên các diễn đàn và phòng chat online. Bọn chúng cũng quan tâm đến việc chế tạo bom bằng cách khai thác thông tin từ Internet.

Các điều tra viên đang tìm cách xác minh lời khai của Dzhokhar và tích cực điều tra các cuộc điện thoại cũng như hoạt động liên lạc trên mạng và mối liên hệ của hắn với những người khác.


Trong một diễn biến có liên quan, trả lời phỏng vấn kênh Tin tức số 4 của Đài Truyền hình Anh ngày 23/4, mẹ của hai nghi phạm Dzhokhar và Tamerlan - bà Zubeidat Tsarnaeva - thừa nhận đã từng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gọi điện thẩm vấn cách đây vài năm để điều tra xem có đúng Tamerlan đã nhiễm tư tưởng cực đoan hay không. Theo bà Tsarnaeva, Tamerlan lần đầu tiên bị liệt vào danh sách tình nghi ở Mỹ vào năm 2008 và từ đó đến nay, các đặc vụ FBI đã gặp anh ta "ít nhất 5 lần", lần gần đây nhất cách đây một năm rưỡi.


Trước khi thực hiện vụ đánh bom, hai nghi phạm từng bày tỏ quan điểm ủng hộ nhóm Hồi giáo Tresnia trên một số trang mạng xã hội. Tuy nhiên, nhóm Hồi giáo này khẳng định không liên quan tới vụ đánh bom Boston, đồng thời khẳng định không có âm mưu chống nước Mỹ.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN