Đồng bào người Thái dệt các sản phẩm truyền thống. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Trong ngôi nhà sàn ở bản Bó Nưa, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, chị Lường Thị Dương và những người phụ nữ hàng xóm đang miệt mài xe sợi, dệt vải bên khung cửi. Đây là công việc được chị tranh thủ những lúc nông nhàn, lúc rảnh rỗi không phải làm việc đồng áng.
Với những người phụ nữ dân tộc Thái như chị, việc may vá, dệt vải đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bởi từ lúc còn nhỏ, chị đã được bà, mẹ truyền nghề cho và nó sẽ còn gắn bó với chị đến cuối đời.
Chị Lường Thị Dương cho biết, nghề này được truyền từ đời ông cha để lại, truyền từ đời này sang đời khác cho con cháu đời sau tiếp tục làm theo. Dệt thổ cẩm là việc không thể thiếu được trong đời sống dân tộc Thái, vừa để phục vụ cho gia đình, lúc cần thiết có thể bán ra thị trường để kiếm thêm thu nhập.
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La có câu “gái biết làm vải, trai biết đan chài” để nói về tiêu chuẩn của những người thanh niên trưởng thành. Do đó, từ khi còn nhỏ, người con gái dân tộc Thái đã được các bà, các mẹ dạy nghề dệt thổ cẩm.
Người con gái Thái ngày trước thể hiện sự khéo léo, đảm đang bằng cách quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa thật khéo để khi lấy chồng có chiếc khăn piêu, bộ chăn đệm đẹp tặng bố mẹ chồng. Nhưng theo thời gian và sự phong phú của các sản phẩm may mặc hiện nay, nghề dệt truyền thống cứ mai một dần. Vì vậy, việc truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng là một vấn đề được những người tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống quan tâm.
Em Quàng Thị Chinh, bản Bó Nưa Em chia sẻ, em được cô dì và mẹ dạy bảo làm khăn piêu từ bé. Mẹ bảo làm piêu để sau này khi lấy chồng còn biết thêu tặng cho họ hàng. Quan trọng hơn là không để làm mai một truyền thống của người Thái và sau này còn để dạy cho con cháu đời sau.
Trước việc nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ bị mai một, nhiều người tâm huyết với những sản phẩm truyền thống đã tìm cách để giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Tại cơ sở sản xuất và bán hàng truyền thống của chị Lường Thị Nhung ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái được bày bán ở đây vừa để phục vụ nhu cầu của bà con cũng như quảng bá, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Do vải thổ cẩm trên thị trường thì có sẵn, nhưng mỏng, hoa văn không đẹp, còn vải dệt truyền thống dày hơn, hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn. Vì thế, để có nguồn hàng cho cơ sở của mình, chị Nhung đã vận động những người có nhiều kinh nghiệm dệt vải tham gia Tổ dệt thổ cẩm. Tại đây, các chị chia thành các nhóm dệt vải theo từng sản phẩm như đệm, gối, chăn với những hoa văn cổ như: quả trám, hình con cua, con tôm...
Chị Lường Thị Nhung cho biết, hiện nay cơ sở của gia đình chị đang tăng cường giao lưu, trao đổi với các đơn vị khác để nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tìm các đối tác bao tiêu sản phẩm, để du khách mỗi lần lên Tây Bắc lại thêm ấn tượng với những món quà thổ cẩm mang đặc trưng của vùng sơn cước.
Trước đây, nói về dệt thổ cẩm là người ta nghĩ đến những sản phẩm được dệt bằng tay và mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, ngoài những sản phẩm thổ cẩm với hoa văn phức tạp bắt buộc phải dệt bằng tay như khăn piêu, vỏ gối, thì với những sản phẩm đơn giản như viền chăn, viền đệm người dân đã sử dụng những khung cửi bằng máy để dệt. Đây cũng là một cách làm sáng tạo của người dân để góp phần giữ gìn những sản phẩm dệt truyền thống.
Những khung cửi bằng máy này được thiết kế dựa trên khung cửi thường, nhưng từ việc xe sợi, luồn thoi, dập vải đều được thực hiện bằng máy. Nhờ đó, những sản phẩm thổ cẩm được làm ra nhanh chóng hơn, tiết kiệm hơn cho người sản xuất và có giá thành hợp lý đối với người dùng.
Anh Lường Văn Mi, bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu cho biết, so với dệt tay, dệt bằng máy đều hơn và đẹp hơn, sợi chỉ nào cũng như nhau. Để nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Sơn La được khôi phục và phát triển, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa, có chính sách hợp lý nhằm khuyến khích và động viên người dân gắn bó với nghề này.