Ngành nuôi trồng đối mặt với rủi ro

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm tới nay, thời tiết rất thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Theo đó, các chuyến ra khơi của các đội tàu khai thác ven bờ, xa bờ đều trúng đậm nên cho sản lượng khá cao. Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra, tôm và nghêu hiện đang phải đối mặt với không ít rủi ro...

 

Người nuôi cá tra vẫn lỗ nặng


Trong khi ngư dân đi biển mừng vì được mùa thì người nuôi cá tra hiện đang bị lỗ nặng do giá cá tra nguyên liệu giảm, trong khi giá vật tư đầu vào như con giống và thức ăn đều tăng. So với những tháng đầu năm, hiện giá cá tra tăng nhưng vẫn chưa bù được cho giá thành. Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, hồi tháng 1 và 2, giá cá tra ở mức 20.750 đồng/kg, trong khi đó chi phí nuôi là khoảng 23.500 đồng/kg; như vậy với mỗi kg cá, người nuôi lỗ khoảng 2.750 đồng. Hiện nay, giá cá tăng lên mức 22.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.


 

Sản xuất cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn do giá cá nguyên liệu thấp hơn giá thành. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Theo thống kê, tổng sản lượng cá tra từ đầu năm tới nay chỉ đạt 202.000 tấn, trong đó sản lượng của các tỉnh trọng điểm như Bến Tre là 18.500 tấn, giảm gần 50%, Tiền Giang gần 7.000 tấn, giảm gần 22%. Các tỉnh ĐBSCL đang tập trung cải tạo ao và thả giống vụ nuôi mới, với diện tích thả nuôi tính đến đầu tháng 4 đạt khoảng 2.200 ha (bằng 98% cùng kỳ 2012).


Trước tình trạng giá cá nguyên liệu thấp cộng với việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá với cá tra của Việt Nam, người nuôi cá tại vùng ĐBSCL có tâm lý chán nản. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngoài 12 doanh nghiệp bị DOC áp thuế chống bán phá giá hiện Việt Nam vẫn còn 8 doanh nghiệp đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ từ 0 - 0,03USD/kg (4 doanh nghiệp có thuế suất 0%, và 4 doanh nghiệp chịu mức thuế suất 0,03%). Hiện Bộ NN&PTNT đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lại việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Bộ cũng sẽ kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ hội này để trục lợi, đặc biệt là ép hạ giá mua cá nguyên liệu của bà con nông dân.

 

Tôm, nghêu chết trên diện rộng


Trong khi đó, người nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng vất vả không kém do từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, chất lượng nước không đảm bảo nên tôm mới thả (chủ yếu từ 15 - 30 ngày tuổi) bị chết trên diện rộng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích tôm chết do bị bệnh hiện lên tới 1.800 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% là 1.400 ha.


Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 1,14 triệu tấn (tăng 0,6% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng khai thác đạt 639.000 tấn (tăng 2,7%). Giá trị sản xuất thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 31.000 tỷ đồng, chiếm 34% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Tại Tiền Giang, Bến Tre đang xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt. Riêng Tiền Giang đã có trên 850 ha có hiện tượng nghêu chết, chiếm 72% tương đương 11.900 tấn, trị giá 237 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre cũng có khoảng 290 ha nghêu chết, thiệt hại khoảng 195 tấn. Theo Cục Thú y, nguyên nhân nghêu chết được xác định là nắng nóng gay gắt kéo dài làm tăng độ mặn; người dân ham lợi, thả với mật độ dày khiến nghêu thiếu thức ăn.


Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, cử cán bộ bám sát những vùng nuôi trọng điểm, chỉ đạo người dân nuôi theo đúng khung thời vụ, theo dõi tiến độ thả giống; khi phát hiện dịch bệnh, cần khoanh vùng dập dịch kịp thời. Các địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống.


Riêng với vùng nuôi nghêu, Bộ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thả nghêu giống trong thời điểm từ nay đến hết tháng 3 âm lịch. Với vùng nuôi với mật độ quá dày, Bộ yêu cầu các địa phương chỉ đạo bà con san thưa; nếu phát hiện nghêu chết, lập tức thu gom để tránh dịch bệnh lây lan sang những con nghêu còn sống...

 

Huyền Tím và Bích Hồng

Ngành thủy sản “vượt” rào cản xuất khẩu
Ngành thủy sản “vượt” rào cản xuất khẩu

Nhiều trở ngại đang hiện hữu đối với ngành thủy sản như: tôm, nghêu tiếp tục chết, doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất cá tra chưa khởi sắc. Đó là chưa kể đến việc thị trường nhập khẩu đưa ra những rào cản đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN