Một số ngân hàng bị “tố” huy động vốn với lãi suất vượt trần
Ngay sau khi cam kết đồng thuận, hầu hết các ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 17 - 19%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn dành hàng ngàn tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay mức lãi suất mới này.
Đồng loạt tung các gói “kích thích”
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, từ ngày 12/9/2011, Agribank sẽ giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn xuống còn 17% - 19%/năm. Trong đó, lãi suất áp dụng cho khách hàng hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu là 17%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu là 18%/năm.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Maritime Bank. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đối với các khoản vay trung hạn, lãi suất áp dụng cho khách hàng là hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu là 18,5%/ năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu là 19,5%/ năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả các khách hàng tối thiểu là 20,5%/ năm.
Tương tự, nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cam kết dành 2.000 tỷ đồng để cho vay đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp – phát triển nông thôn với lãi suất ưu đãi từ 17 - 19%/năm.
Theo Phó Tổng giám đốc Sacombank Lưu Huỳnh, mục tiêu của việc đưa ra gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trên là nhằm góp phần cùng các ngân hàng bạn trong hệ thống tạo mặt bằng lãi suất cho vay với mức hợp lý hơn, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ngoài Sacombank, một loạt các ngân hàng khác như: Hàng Hải, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương... đã công bố giảm lãi suất đồng thời cam kết dành hàng nghìn tỷ đổng để cho các doanh nghiệp vay vốn. BIDV dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn các khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV với lãi suất ưu đãi từ 15 - 17,5%/năm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, đến thời điểm này, có khoảng 6 - 8 ngân hàng đang bắt đầu áp dụng mức lãi suất mới nhưng phạm vi cho đối tượng doanh nghiệp sản xuất của từng ngân hàng là khác nhau.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Phát triển Nhà ở (Habubank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Maritime Bank không có dấu hiệu lách luật Sáng 12/9/2011, Ban Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình đã có buổi làm việc nghiêm túc tại chi nhánh Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) Ninh Bình để kiểm soát hoạt động huy động vốn của ngân hàng trong thời gian gần đây. Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện tại nhiều tổ chức tín dụng trên cả nước. Maritime cho biết, cuối buổi làm việc, Ban Thanh tra kết luận Maritime Bank Ninh Bình nghiêm túc thực hiện mức lãi suất trần trong công tác huy động vốn, không có dấu hiệu lách luật. Trước đó, qua đường dây nóng, Ngân hàng Nhà nước nhận được thông tin về một số tổ chức tín dụng đang có dấu hiệu áp dụng lãi suất huy động cao hơn trần quy định và đã tiến hành kiểm tra đột xuất. |
Xác nhận thông tin trên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp từ tháng 9/2011, thực tế một số doanh nghiệp đã tiếp nhận được với mức lãi suất này, nhưng chưa phải là số đông.
Bà Võ Thị Sánh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, sau khi đồng thuận, các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc trần lãi suất do NHNN quy định là 14%/năm. Chưa thấy xuất hiện có hiện tượng rút vốn ồ ạt từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác. Nhưng có hiện tượng một số người dân, doanh nghiệp tới ngân hàng rút vốn tại BIDV.
Tạo lòng tin cho thị trườngĐộng thái giảm lãi suất lần này là tín hiệu đáng mừng rõ nét nhất đối với doanh nghiệp sau 9 tháng thăng trầm vừa qua. Tuy nhiên, lãi suất vay 17 - 19% vẫn được coi là mức cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đường dây nóng đã nhận được lời “tố” một số đơn vị trong ngành có hiện tượng huy động vốn với lãi suất vượt trần.
“Nếu ngân hàng vi phạm có thể sẽ châm ngòi cho cuộc đua lãi suất, vì vậy phải xử lý nghiêm khắc. Trước đây, chúng ta chưa xử lý nghiêm, các quy định cũng chưa sát với thực tế khiến hiện tượng trên tái diễn nhiều lần. Hiện nay, các chế tài xử lý cụ thể hơn và quyết liệt hơn”, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Kiêm cho rằng, quan trọng hơn là các chỉ số về kinh tế cho thấy, đây là thời điểm phù hợp để hạ lãi suất huy động và cho vay.
“Khi kêu gọi hạ lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán tới nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng đồng thuận hạ lãi suất. Do vậy, không để một số ít ảnh hưởng tới số nhiều”, ông Kiêm nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, trong ngắn hạn, việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị của NHNN đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp về mặt lợi nhuận của các ngân hàng do giảm nhanh lãi suất cho vay nhưng vẫn bị áp lực giữ các khách hàng huy động truyền thống.
“Tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ khó đoán trước. Tuy nhiên, với động thái như hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, tôi tin rằng các biện pháp đồng bộ sẽ sớm được áp dụng và mặt bằng lãi suất sẽ sớm có chuyển biến tích cực, vừa đảm bảo phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ”, ông Linh lạc quan nhận định.
Hữu Vinh