Ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép

Tình trạng người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động ngày càng tăng đang gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương. Cuộc sống nơi đất khách quê người không đem lại ấm no, giàu có mà đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, nợ nần chồng chất.


Chị Nguyễn Thị Chung ở xã Xuân An, huyện Yên Lập vẫn nhớ như in về quãng thời gian sống và làm việc ở Trung Quốc. Cuối năm 2011 chị trả 4 triệu đồng cho những kẻ môi giới và được chúng đưa vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Sang tới nơi phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Một hôm trên đường đi làm về chị bị bắt cóc nhốt vào nhà nghỉ và dọa giết. Bọn chúng đánh đập bắt phải gọi điện về lấy tiền chuộc. Gia đình phải bán thóc, bán lợn, vay nợ để có đủ 60 triệu đồng gửi sang Trung Quốc chuộc về.


Còn anh Đặng Việt Anh, ở xóm Đồng Du, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập cho biết, đầu năm 2013, nghe theo người em họ rủ đi Quảng Ninh làm thuê. Tại đây, Việt Anh quen một người đàn ông Trung Quốc bảo sang Trung Quốc có thể tìm được việc làm nhẹ nhàng mà lương cao. Sau khi đặt cọc trước 4 triệu đồng (chi phí đi lại và xin việc), Việt Anh được dẫn đi đò sang Trung Quốc và được đưa đến làm ở một xưởng sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ và phải làm việc 16 tiếng/ngày trong môi trường độc hại. Do tiếp xúc với hóa chất độc hại không chịu được anh đành tìm cách trốn về nước.


Nhiều trường hợp khác ở Yên Lập đi lao động trái phép tại Trung Quốc bị bắt, trục xuất về nước hoặc bị đánh đập, ngược đãi khiến tiền mất, tật mang, vợ chồng ly tán, nhà cửa, ruộng vườn mất sạch. Chị Nguyễn Thị Mùi ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập sau khi đi lao động trái phép tại Trung Quốc một thời gian bị chết không rõ nguyên nhân và được đưa về quê an táng mà không được hưởng quyền lợi gì. Hay như trường hợp anh Lê Quảng Ninh ở xã Xuân An do thiếu hiểu biết nghe theo các đối tượng môi giới đã bán nhà để lấy tiền đi lao động trái phép. Khi sang làm việc được một thời gian ngắn bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất về nước nay phải sống trong căn lều dựng tạm.


Việc người dân ồ ạt sang Trung Quốc làm ăn đã để lại nhiều hệ lụy. Nhiều trường hợp đi lao động trở về đã du nhập lối sống thực dụng, mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm.


Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Lao động trái phép ồ ạt sang Trung Quốc tại huyện Yên Lập và một số địa phương khác trong tỉnh trong thời gian qua một phần do công tác quản lý của chính quyền cơ sở còn thiếu chặt chẽ.


Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Phú Thọ có gần 2.000 lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc. Trong đó, riêng huyện miền núi Yên Lập có 1.157 người sang Trung Quốc trái phép . Đến nay, đã có gần 900 người trở về địa phương, trong đó có 236 trường hợp bị công an Trung Quốc bắt giữ và trục xuất về nước. Từ năm 2007 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã khởi tố 10 vụ với 21 bị can về việc tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài; xử phạt vi phạm hành chính 88 trường hợp vi phạm về xuất, nhập cảnh.


Kiên quyết ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, tăng cường điều tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp môi giới, các tổ chức đưa người đi lao động trái phép, kể cả đối với những công dân nhập cảnh, cư trú trái phép tại các nước; vận động các gia đình có người thân đang lao động trái phép nhanh chóng trở về địa phương. Tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động mở rộng liên kết thị trường lao động và có chính sách hỗ trợ để người dân được tiếp cận với những thị trường lao động phù hợp.


Lâm Đào An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN