Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/3 đã chỉ trích nghị quyết với tên gọi “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trước đó là sáng kiến phản tác dụng, làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bên trong quốc gia Đông Âu này.
Công bố kết quả bỏ phiếu Nghị quyết về Crimea tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP |
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định hậu quả của việc hàng loạt quốc gia phương Tây can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Ukraine chính là cuộc “đảo chính vi hiến” tại Kiev, phá hủy hệ thống quản lý nhà nước các cấp, làm mất năng lực hoạt động của lực lượng bảo vệ pháp luật, dẫn đến sự nổi dậy và lộng hành của chủ nghĩa cực đoan và các phần tử phát xít, đe dọa sự an toàn của các dân tộc ít người và ngôn ngữ của họ, làm căng thẳng thêm tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc phương Tây đã gây áp lực công khai đối với các nước thành viên LHQ bằng cách sử dụng những đe đọa cả về chính trị và kinh tế để các nước này bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết trên. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động có tính xây dựng và nỗ lực hỗ trợ để ổn định tình hình hiện nay ở Ukraine, đồng thời tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân thể hiện nguyện vọng tự do của người dân Crimea diễn ra ngày 16/3 vừa qua.
Ngày 27/3, 163/193 thành viên LHQ đã tham gia bỏ phiếu và thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý, phản đối việc Crimea sáp nhập vào Nga, với tỉ lệ 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Cũng trong ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergey Shoigu tiến hành trao trả cho Ukraine số vũ khí và khí tài của các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại Crimea, chứ không chuyển sang phục vụ trong quân đội Nga.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga thông báo việc rút những binh sỹ Ukraine có nguyện vọng tiếp tục phục vụ Các lực lượng vũ trang Ukraine đã hoàn tất, tiếp theo sẽ tiến hành chuyển giao vũ khí, khí tài, cụ thể là các đội tàu, máy bay cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết trong quá trình rút quân Ukraine tại Crimea không xảy ra bất cứ hành động xâm phạm hay thiếu tôn trọng nào với các biểu trưng nhà nước Ukraine.
Thách thức của Ukraine
Việc nghị quyết “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” được thông qua chưa phải là một chiến thắng cho chính quyền Kiev, khi mà họ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước.
Hãng tin Itar-Tass ngày 28/3 đưa tin, Tổng thống Viktor Yanukovych đã có bài phát biểu trước người dân Ukraine, đề cập đến những khía cạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Yanukovych kêu gọi dân chúng nêu yêu cầu trưng cầu dân ý để quyết định quy chế của mỗi vùng lãnh thổ thuộc Ukraine, không để “những kẻ lừa đảo” lợi dụng. Theo ông, chỉ có một cuộc trưng cầu toàn Ukraine, chứ không phải là bầu cử tổng thống trước thời hạn, mới có thể giúp ổn định tình hình, toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.
Trong lúc đó, cuộc biểu tình, bao vây trụ sở Quốc hội của khoảng 1.500 người ủng hộ nhóm cực hữu tiếp tục kéo dài sang ngày 28/3. Lực lượng này đưa yêu sách đòi Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Arsen Avakov phải từ chức.
Cùng ngày, Ukraine đã đưa ra lời cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với việc không nhận được dòng khí nhập khẩu từ Nga nếu Kiev không tiếp cận được dòng khí đốt bổ sung. Quyền Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yurri Prodan thúc giục EU nhanh chóng kết thúc đàm phán, sớm triển khai phương án cung cấp khí đốt cho Ukraine. “Nếu vấn đề này không được giải quyết một cách rốt ráo, kịch bản về ‘cuộc chiến khí gas’ năm 2009 sẽ lặp lại, với hậu quả kinh tế và thậm chí là cả việc ngừng vận chuyển khí từ Nga đến phương Tây”, ông Prodan khẳng định.
Nga hôm 27/3 công bố tăng giá 79% khí đốt bán cho Ukraine từ ngày 1/4 tới. Trong khi đó, Ukraine buộc phải thực thi các chính sách “thắt lưng buộc bụng” theo “toa thuốc đắng” mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra như tăng giá bán khí đốt 50% trong nội địa, cắt giảm hơn 24.000 công chức trong bộ máy chính quyền, không tăng lương tối thiểu, giảm chi ngân sách...
Hoài Thanh -TTG